Hát then

Hứa Nhi 27/04/2018 16:00

Thông tin Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 sắp diễn ra khiến đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái tự hào. Vậy là những điệu then, tiếng đàn tính lại có dịp lan xa, tỏa rộng…

Hát then

Hát then trên hồ Nà Lừa. (Tân Trào - Tuyên Quang).

1. Từ bao đời nay, các tộc người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã sáng tạo ra một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc sắc và có sức lan tỏa lớn, đó là then. Đi cùng với hát then không thể thiếu cây đàn tính.

Theo giới nghiên cứu, lời then có tới 35 chương đoạn khác nhau, phụ thuộc vào người biểu diễn và mục đích của nghi lễ. Người làm then cổ thường vừa hát then vừa chơi đàn tính kết hợp sử dụng chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa…

Là loại hình diễn xướng tổng hợp tiêu biểu và đặc sắc gồm: ca, nhạc múa và diễn trò, then được hiểu là Thiên (trời), xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ của người Tày. Vì vậy, then vừa là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, vừa là một loại hình âm nhạc dân gian mà nội dung của nó phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, nhằm hướng tới những điều bình an, tốt đẹp cho cuộc sống. Khi tiếp cận với các lễ Then cổ truyền, người ta có thể thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng, Thái.

2. Có thể tính dấu mốc từ năm 2005, khi đó hát then đã được sân khấu hóa, thông qua việc tổ chức Liên hoan hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái. 5 lần trước, Liên hoan được tổ chức tại các tỉnh Thái Nguyên (2005), Cao Bằng (2007), Bắc Kạn (2009), Lạng Sơn (2012), Tuyên Quang (2017).

Năm nay, Ban tổ chức cho biết, Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày-Nùng-Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018, diễn ra trong 2 ngày (13 và 14-5) tại tỉnh Hà Giang. Liên hoan lần này có sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống, có loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh.

Được biết, liên hoan năm nay sẽ có sự tham gia của những nghệ nhân then tiêu biểu tại các địa phương, diễn viên hát then của các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở; cùng nhiều nghệ sĩ hát then của các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương.

Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính năm 2018 là dịp để quảng bá, giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch, các giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản và loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính nói riêng của các địa phương. Đồng thời liên hoan là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của các dân tộc Tày, Nùng, Thái gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, giới thiệu, phát huy những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc mình; tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

3. Một số nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian cho rằng, hát then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, vào thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian.

Theo thời gian, hát then - đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Cũng theo giới nghiên cứu, người Tày, người Nùng không kể tuổi tác, giới tính đều rất mê hát then. Một vài tộc khác như người Mông, Việt ở trong vùng cũng tiếp nhận thể loại hát này trong đời sống tinh thần của mình. Ngoài ra, then cũng xuất hiện ở Tây Nguyên khi người Tày và người Nùng di cư đến. Qua nghiên cứu, thấy rằng mỗi vùng làn điệu then lại có những nét độc đáo riêng: then Cao Bằng dìu dặt tha thiết; then Lạng Sơn tươi vui, rộn Ràng; then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận; then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một; Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hát then

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO