Hậu Covid-19, nỗ lực để vượt qua - Bài 3: Làm gì để vượt qua?

Hoàng Chiến 12/03/2022 11:22

Khỏi Covid-19, nhưng không phải ai cũng khỏe mạnh trở lại ngay. Vậy làm thế nào để sử dụng thuốc, cân bằng lại lại tinh thần và thể chất sau khi không còn là F0? Làm thế nào để vượt qua giai đoạn hậu Covid-19, để tránh chuyển từ trạng thái khỏi bệnh sang trạng thái lo lắng, trầm cảm.

Khám tư vấn cho bệnh nhân hậu Covid-19. Ảnh: BVĐK Đức Giang

Cần sự tư vấn chuyên môn

Số ca mắc Covid-19 trong cả nước liên tục tăng kỷ lục trong thời gian gần đây, tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, con số ca mắc hiện nay đã không còn mang nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, nỗi lo lớn nhất đối với người dân hiện nay chính là những di chứng hậu Covid-19 để lại.

Nắm bắt đúng tâm lý lo lắng, hoang mang của người dân, thời gian vừa qua, nhiều cơ sở y tế tại TPHCM đã “nở rộ” nhiều gói dịch vụ khám hậu Covid-19 với đa dạng mức giá, dao động từ 1.500.000 đồng đến 7.000.000 đồng tuỳ thuộc vào nhu cầu của người dân và từng cơ sở y tế.

Trước tình trạng “loạn giá” này, Sở Y tế TPHCM đã phải ban hành văn bản chấn chỉnh việc tổ chức khám sức khoẻ hậu Covid-19. Cụ thể, Sở Y tế TPHCM yêu cầu không điều chỉnh tăng giá các dịch khám bệnh, chữa bệnh kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khoẻ cho người bệnh hậu Covid-19 trong trường hợp không cần thiết.

Không những vậy, trên mạng xã hội, nhiều bài thuốc, phương pháp điều trị cả Đông - Tây y kết hợp cũng được rao bán tràn lan với công dụng được “nổ” uống đâu khỏi đấy, trị dứt điểm các triệu chứng hậu Covid-19. Nhiều người dân vì cả tin đã tốn cả tiền triệu để mua những loại thuốc này mà không rõ nguồn gốc, hiệu quả ra sao.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Ths. BS Nguyễn Đức Tài, thành viên của nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà phân tích, khi virus tấn công vào cơ thể, nơi nó cư ngụ nhiều nhất là toàn bộ bề mặt niêm mạc của hệ hô hấp. Tuy nhiên virus sẽ đi khắp cơ thể và gây ra tác dụng ở tất cả các cơ quan, trong đó đáng sợ nhất là các cơ quan liên quan đến hệ thần kinh. Ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ, lo lắng, hoảng loạn, trầm cảm… thậm chí gây tổn thương các dây thần số 9, 10, biểu mô niêm mạc… Đó là những triệu chứng cơ bản nhất ở hệ thần kinh.

Theo bác sĩ Tài, có những người không có những triệu chứng gì khi mắc bệnh, tuy nhiên hậu Covid-19 lại có những triệu chứng dai dẳng, đặc biệt là những tổn thương liên quan đến dây thần kinh, tế bào biểu mô niêm mạc đường hô hấp như ho kéo dài, mất mùi vị, đờm, tiêu chảy, mệt mỏi… Tất cả những triệu chứng này cần sự tư vấn chuyên môn, trong mỗi trường hợp cụ thể sẽ có những hướng dẫn chi tiết để cắt được triệu chứng càng sớm càng tốt. Bởi có làm như vậy thì người bệnh mới an tâm, lấy lại tinh thần và sự hồi phục từ bên trong để “chiến đấu” tốt hơn.

Theo BS Tài, khi xuất hiện những triệu chứng hậu Covid-19, trong trường hợp nguy hiểm, cần đưa người bệnh đến những cơ sở y tế gần nhất để có thể cấp cứu kịp thời. Đối với những triệu chứng thông thường, người dân chỉ cần đến các bệnh viện khám bệnh thông thường để kiểm tra, không cần thiết phải đến tuyến Trung ương gây nên tình trạng áp lực, quá tải.

Quan tâm tới vấn đề về tâm lý

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Lê Văn Thiệu - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong các triệu chứng hậu Covid-19, vấn đề tâm lý chiếm tỷ lệ khá lớn. Về cơ chế tác động, hậu Covid-19 bao gồm nhiều triệu chứng đã được ghi nhận như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, lo âu… Hiện nay, có nhiều thông tin trên mạng xã hội cũng như truyền miệng về các gói khám chữa hậu Covid-19 giá đắt đỏ cũng các loại thuốc không rõ nguồn gốc..

Trong quá trình quảng cáo các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, nhiều người khai thác quá mức những hậu quả do Covid-19 gây ra làm cho đa phần bệnh nhân trở nên hoang mang, sợ hãi. Từ tâm lý này, người bệnh dễ dàng tìm kiếm và tiếp nhận những thông tin không chính thống, mua tràn lan các loại thuốc, thực phẩm chức năng được nghe “truyền tai”, ai bảo gì mua nấy. Việc làm này vừa gây tốn kém, vừa dẫn tới tình trạng sử dụng sai mục đích.

BS Thiệu nhấn mạnh, không phải ai sau khi mắc bệnh cũng đều gặp hậu Covid-19. Do đó, người dân không nên quá lo lắng, hoang mang. Thay vào đó, sau khi khỏi bệnh, trước hết cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng, nên điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt trước khi dùng đến thuốc. Đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên để có một sức khỏe tốt...

BS Thiệu khuyến cáo, bản thân khái niệm hậu Covid-19 cũng là một khái niệm mới. Các triệu chứng hậu Covid-19 có thể có hoặc không và không ai giống ai. Tất cả những gì chúng ta đang nói về hậu Covid-19 đều chưa được đầy đủ và trọn vẹn do mọi thứ vẫn đang được nghiên cứu. Do đó, người dân cần bình tĩnh và lựa chọn thông tin chính thống để tiếp nhận. Đối với những trường hợp bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19, người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị, không nên tin những lời quảng cáo trên mạng mà sử dụng thuốc tràn lan.

(còn nữa)

Ths. BS tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee, Hà Nội):

Hãy tin tưởng vào các bác sĩ

Ths.BS tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee – Hà Nội) cho biết, đã trực tiếp tư vấn cho rất nhiều trường hợp gặp một, thậm chí nhiều triệu chứng về tâm lý sau khi khỏi bệnh như mất ngủ, rối loạn lo âu, giảm trí nhớ... Những triệu chứng này nếu không điều trị sớm, dứt điểm sẽ là nguyên nhân gián tiếp mắc phải các vấn đề tim mạch, tiêu hóa, dạ dày...

Thực tế cho thấy có không ít người cố gắng tìm hiểu nhiều kênh thông tin khác nhau để tự tìm cho bản thân một phác đồ mà họ cho rằng hữu hiệu hơn. Việc này tạo ra nhiều sự hoang mang hơn với chính bản thân người bệnh và phác đồ chuẩn mực của bác sĩ. Hãy tin tưởng vào các bác sĩ. Để không rơi vào sang chấn tâm lý hậu Covid-19, cũng như biết cách tự điều chỉnh bản thân khi có các dấu hiệu sang chấn tâm lý, mỗi người phải khởi lên trong tâm mình một ý chí cầu sinh. Ý nghĩ được sống và phải sống như một mặc định trong mỗi chúng ta. Khi ý chí cầu sinh càng lớn thì hi vọng khỏi bệnh lại càng lớn và chính sự hi vọng đó sẽ giúp người bệnh có thêm quyết tâm khỏi bệnh và không rơi vào các rối loạn tâm lý.

An Thái

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Covid-19, nỗ lực để vượt qua - Bài 3: Làm gì để vượt qua?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO