Hệ thống phòng thủ tên lửa đã đi vào hoạt động ở Hàn Quốc

02/05/2017 19:10

Một hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi của Mỹ đã được lắp đặt và đi vào vận hành trên lãnh thổ Hàn Quốc, trong bối cảnh chỉ còn một tuần lễ nữa là tới kỳ bầu cử Tổng thống nước này, được dự kiến là sẽ mang tới làn sóng phản đối tiến trình lắp đặt hệ thống trên.

Khu vực lắp đặt THAAD tại tỉnh Gyeongsang, Hàn Quốc
trong hôm 27/4 vừa qua. (Nguồn: Reuters).

Hệ thống phóng thủ khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) hiện “đã đi vào hoạt động và có khả năng để đánh chặn các tên lửa của Triều Tiên và bảo vệ Hàn Quốc” - một người phát ngôn của lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Triều Tiên nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 2/5.

THAAD được quân đội Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm đối phó với các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên, nhưng hệ thống này lại vấp phải sự phản ứng gay gắt của Trung Quốc và Nga, những quốc gia có một phần lãnh thổ nằm trong tầm bắn của hệ thống này.

Tuy nhiên, THAAD dù đã được lắp đặt hoàn thiện, nhưng khả năng hoạt động của nó vẫn còn “hạn chế”, theo một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên. Tuy nhiên, quan chức trên cho rằng hệ thống này vẫn đủ khả năng để bắn hạ một tên lửa Triều Tiên, thêm rằng Mỹ hy vọng sẽ lắp đặt thêm một số đơn vị phụ trợ để tăng tầm bao phủ của hệ thống này trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa trên đáng lẽ ra sẽ không thể vận hành hoàn toàn cho đến cuối năm nay, nhưng Mỹ và giới chức Hàn Quốc đã công khai nhấn mạnh về sự cần thiết phải thúc đẩy việc triển khai nó trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phía Bình Nhưỡng.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Moon Sang-kyun, đã nói trong một buổi thông báo vắn tuần trước rằng các thiết bị, gồm dàn phóng, các trạm kiểm soát và radar đã được lắp đặt tại tỉnh Gyeongsang và sẽ chính thức đi vào hoạt động. “Tất cả các thiết bị trên đã được chuyển tới địa điểm, bởi vậy chúng tôi có thể kết nối chúng để đi vào vận hàng sớm chỉ trong vài ngày tới” - ông Moon nói.

Phản ứng chính trị

Ông Moon Jae-in, ứng viên hiện đang dẫn đầu cuộc đua giành chức Tổng thống Hàn Quốc dự kiến tổ chức trong ngày 9/5 tới, đã bày tỏ sự hoài nghi về hệ thống THAAD. Trong suốt quá trình thực hiện chiến dịch tranh cử, ông đã kêu gọi hoãn lại việc triển khai hệ thống này để nhường quyết định lại cho chính quyền mới.

Trong cuộc phỏng vấn với đài BBS FM của Hàn Quốc hôm 2/5, ông Moon nói rằng việc triển khai THAAD “vẫn chưa phải một thỏa thuận đã ngã ngũ” và nên dựa trên phản ứng từ người dân và một cuộc bỏ phiếu tổ chức tại Quốc hội nước này.

Đảng Dân chủ của ông Moon hiện đang dẫn trước tới 20 điểm so với đối thủ sát nút nhất, theo các lá phiếu thăm dò mới nhất do hãng Gallup Korea thực hiện. Khoảng 40% số cử tri Hàn Quốc tham gia thăm dò nói rằng họ ủng hộ ông Moon, trong khi ứng viên Ahn Cheol-soo chỉ được khoảng 24%.

Được biết, hệ thống THAAD được thiết kế nhằm bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong các giai đoạn sau của hành trình bay khi các tên lửa này đang lao về phía mục tiêu. Điều này có nghĩa nó không thể đối phó với tên lửa mà Triều Tiên đã đem ra thử nghiệm trong các tháng mới đây. Tuy nhiên, do sở hữu hệ thống radar hết sức tinh vi, nó vẫn có thể phối hợp với các hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp khác của Mỹ, trong đó có các chiến hạm Aegis đang hoạt động tại Thái Bình Dương và tên lửa Patriot ở Nhật Bản.

Ai chi tiền?

Thêm phần phức tạp cho sự việc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước từng gây sốc cho chính quyền Seoul sau khi ông cho rằng Hàn Quốc nên chi trả 1 tỷ USD cho hệ thống THAAD.

“Tôi đã thông báo với Hàn Quốc rằng sẽ phù hợp hơn nếu họ trả tiền. Đó là hệ thống tỷ USD” - ông Trump nói - “Hệ thống đó là một hiện tượng, nó bắn hạ tên lửa ngay trên bầu trời”.

Ngược lại, Seoul cho rằng, theo hiệp ước cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, phía Hàn Quốc sẽ cung cấp địa điểm lắp đặt THAAD cùng các cơ sở vật chất khác và Mỹ sẽ là bên chi trả cho việc triển khai và vận hành.

Thomas Karako, Giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhấn mạnh rằng hệ thống THAAD không đủ tầm bao phủ để bảo đảm an ninh cho toàn lãnh thổ Hàn Quốc, tuy nhiên việc vận hành nó là một bước đi đầu quan trọng.

“Đó không phải một tấm lá chắn hoàn hảo, nó mang ý nghĩa tranh thủ thêm thời gian và nhờ vậy đóng góp tổng thể cho khả năng đánh chặn” - ông Karako nói với hãng tin AFP.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ không loại trừ khả năng sẽ tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dưới các điều kiện phù hợp. “Nếu việc tôi gặp gỡ ông ta là thích hợp, tôi sẽ làm vậy. Tôi sẽ lấy làm vinh dự khi làm vậy”, ông Trump nói với hãng Bloomberg News.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ thống phòng thủ tên lửa đã đi vào hoạt động ở Hàn Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO