Hiểu đúng về trường học hạnh phúc

Đặng Tự Ân 14/10/2021 07:00

Giáo sư Peck Cho, người Hàn Quốc, chuyên gia về trường học hạnh phúc đã tới làm việc ở Việt Nam một thời gian dài, quá nửa năm 2019.

Ông đã say mê đi thực tế, chủ trì nhiều buổi nói chuyện, nhiều hội thảo khoa học, đặc biệt kết hợp cùng VTV7 tổ chức cuộc vận động thầy cô chúng ta đã thay đổi, như các chủ đề “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, “Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc” đã lan tỏa rộng rãi trong toàn quốc. Có thể nói, ông đã thổi một luồng gió mát lành vào các nhà trường đang đổi mới giáo dục.

Khi xây dựng trường học hạnh phúc, ông có nhắc đến nền giáo dục nhiều sự “giận dữ” mà thế giới gọi là nền giáo dục “MAD”. Theo đó, nền giáo dục giận dữ hay MAD là một nền giáo dục mà học sinh luôn luôn và phải ghi nhớ, phân tích, xử lý dữ liệu quá nhiều.

Học sinh học để thi mà không là học để phát triển bản thân, để đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Giáo dục Việt Nam một thời gian dài cũng không thoát được một nền giáo dục MAD.

Trong thời đại ngày nay, con người là sản phẩm của nhà trường rất năng động nhưng cũng quá căng thẳng trong cuộc sống, chịu áp lực nhiều của sự bất bình đẳng và môi trường ô nhiễm. Giáo dục cần hướng người học tới các giá trị tinh thần, tới lòng tốt và biết ơn, tới tính kiên trì và tinh thần cộng đồng. Các quốc gia cần định vị lại trường học, thay vì chỉ chú trọng dạy học theo tư duy logic, giải quyết vấn đề là cần phát triển các giá trị về tâm hồn hay nội tâm của người học. Hãy rèn luyện về cảm xúc tích cực hay cảm xúc hạnh phúc cũng như nâng cao lòng tự tin và năng lực hợp tác trong quá trình học tập và làm việc cho người học.

Ngày nay sự tích tụ được nhiều kiến thức không còn là cái để đánh giá năng lực của học sinh nữa mà cần sự sáng tạo của người học. Cũng có nghĩa muốn có sáng tạo thì người học vừa có kiến thức vững chắc vừa có cảm xúc tích cực mạnh mẽ. Trong hệ sinh thái của năng lực người học, các chuyên gia đã đưa ra 3 thành tố cơ bản để cấu thành năng lực của một con người. Đó là thành tố về kiến thức, cảm xúc và sáng tạo, trong đó sáng tạo là tổ hợp của kiến thức và cảm xúc.

Vào những năm đầu thập niên thứ 2 thế kỷ mới, Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần coi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, là thước đo chính xác cho tiến bộ xã hội và các mục tiêu chính sách công của các nước trên toàn cầu. Minh chứng là vào năm 2013, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Giáo dục thế giới, nhất là các nước châu Á - Thái Bình Dương, đã lập tức đưa ra ngay câu hỏi: Hạnh phúc cá nhân của học sinh sao không thể lấy nó làm thước đo thành tích và chất lượng các nhà trường? Việc tiếp cận nâng cao chất lượng trường học thông qua đánh giá hạnh phúc người học thực chất là quay lại quan niệm về giá trị của giáo dục khối óc và giáo dục con tim, có từ xa xưa. “Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục” (nhà Triết học cổ Aristote 384 TCN). Chính vì vậy giáo dục hiện đại đã chỉ ra rằng: “Học tập bao giờ cũng có 2 mặt và luôn đan xen nhau, đó là học tập là quá trình khám phá, phát hiện và học tập là sự thúc giục của tính ham muốn/thích thú/vui say”. Thông qua học tập bằng khối óc được kết hợp học tập bằng con tim là phương thức học tập hiệu quả nhất. Coi trọng đánh giá các chỉ số thông minh EQ (cảm xúc) rất mới bên cạnh chỉ số IQ (kiến thức) truyền thống người học là thực tế chứng tỏ cho điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu đúng về trường học hạnh phúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO