Bộ GDĐT và Công đoàn giáo dục đang triển khai rộng rãi cuộc vận động xây dựng trường học hạnh phúc (THHP) ở các trường phổ thông và đại học (ĐH) trong cả nước. Cùng thời, UNESCO cũng khuyến cáo các quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình dương xây dựng mô hình THHP theo 52 tiêu chí thuộc ba nhóm vấn đề (3P): Con người trong trường học; Quá trình dạy và học; Địa điểm học tập.
Một số tiêu chí của UNESCO có nội dung mới, ít thấy ở các trường học, chúng ta cần nghiên cứu, thử nghiệm trước khi vận dụng, bổ sung vào bộ tiêu chí mô hình THHP ở Việt Nam.
Đơn cử như về các tiêu chí trong nhóm “Con người trong trường học”: Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh trong quá trình giáo dục học sinh. Mục tiêu xuyên suốt của nhà trường theo quan niệm: hãy biến nhà trường thành một “địa điểm mở” cho cộng đồng. Có nhiều hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn nhằm tạo cảm giác như sống trong gia đình, được hòa nhập trong môi trường học đường. Thành lập các câu lạc bộ lớp ghép, bao gồm nhiều độ tuổi, từ đó tăng cường và mở rộng mối quan hệ tình bạn trong học sinh.
Khuyến khích việc cảm thông, thấu hiểu người khác thông qua nói chuyện về tôn giáo và giải thích những khác biệt trong ngôn ngữ giữa các dân tộc.
Có thể nói xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng tình bạn và mối quan hệ trong cộng đồng tôn trọng, hợp tác, hiểu sự khác biệt trong mỗi học sinh. Từng con người trong trường luôn được rèn luyện và giữ được giá trị sống riêng biệt, độc đáo của mình.
Tiếp đó, là về các tiêu chí trong nhóm “Quá trình dạy và học”: Tuyển sinh hoặc đánh giá cuối năm học cần xem xét đưa vào các tiêu chí định tính không mang tính học thuật truyền thống. Đề cao các bài tập nhóm nhằm khuyến khích học theo dự án và cùng nhau hợp tác làm bài tập chung về những vấn đề của thực tiễn theo định hướng giáo dục STEM.
Đưa ra khái niệm mới về học tập, đó là một phần của quá trình làm thử và mắc lỗi. Chú trọng dạy học sinh cách đặt câu hỏi hơn là chỉ trả lời câu hỏi của giáo viên. Quan niệm, 100 câu trả lời đúng không bằng tự mình đưa ra vài ba câu hỏi từ phía học sinh.
Ngay từ cấp tiểu học, mỗi học sinh đã tự mình xây dựng “ Danh mục các ước mơ”. Danh mục này có thứ tự ưu tiên và được điều chỉnh theo quá trình trưởng thành và sự hiểu biết thực tiễn cuộc sống của từng em.
Thoát ly sách giáo khoa, theo từng mức độ từ thoát lý ít đến thoát ly nhiều, tiến tới giáo án bài dạy được thay thế hoàn toàn sách giáo khoa, với sự góp sức, hợp tác của các giáo viên và cả học sinh.
Mỗi buổi học dành từ 5 tới 7 phút giới thiệu và thực hành “thiền” nhằm thư giãn hoạt động của não bộ, tăng tính sáng tạo, linh hoạt trong tư duy và giảm sự căng thẳng, lấy lại sự cân bằng trong các hoạt động về tinh thần theo cách tư duy tích cực.
Có thể nói xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng môi trường dạy và học không áp lực, với tiếp cận dạy học vui vẻ, hấp dẫn và đề cao sự tự do, sáng tạo và tham gia của người học
Về các tiêu chí trong nhóm “Địa điểm học tập”: Thay tiếng trống hay tiếng chuông trong trường bằng tiếng nhạc êm nhẹ, kích thích cảm xúc tích cực cho mọi giáo viên và học sinh, khi bước vào nghỉ giữa các tiết học.
Lắp đặt “Ghế tình bạn” trong sân trường. Một cách làm sáng tạo, phổ biến ở nhiều trường học thuộc các nước Tây Âu. Tổ chức các câu lạc bộ cho phép học sinh “ làm chủ nhiệm lớp” hay “làm hiệu trưởng” một ngày. Tuyệt đối không có kỷ luật thô bạo thân thể và tinh thần của học sinh, Thay vì trừng phạt tiêu cực học sinh là các hình thức xử lý mang ý nghĩa xây dựng và tích cực cho học sinh khi mắc lỗi, như chăm sóc vườn trường, quản lý hoạt động học tập hay hoàn thành một nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao cho.
Mỗi nhà trường đều có chuyên gia tư vấn học đường để chăm sóc sức khỏe tinh thần và kiểm soát sự căng thẳng trong quá trình học tập, giáo dục. Có chuyên gia về dinh dưỡng để đảm bảo an toàn sức khỏe, vệ sinh và dinh dưỡng tốt.
Có thể nói xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng môi trường học đường an toàn, ấm áp, thân thiện và luôn sống tích cực.