Tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa Mặt trận và các cơ sở tôn giáo được đa số người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ vậy, các giải pháp, mô hình nhanh chóng phát huy hiệu quả cao và không ngừng được nhân rộng.
Cơ sở tôn giáo gắn với hộ nghèo
Thường xuyên có những hoạt động chăm lo cho người nghèo, Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành - Trụ trì chùa Vĩnh Xương (phường 11, quận 3) cho biết, xuất phát từ tinh thần sẻ chia đến những người có hoàn cảnh khó khăn, nhà chùa đã thực hiện mô hình “Tháng gạo nghĩa tình”, cứ đều đặn mỗi tháng trao 150 suất, với khoảng 1,5 tấn gạo được phát. Đặc biệt, chương trình “Bếp ăn tình thương” cũng được duy trì.
Ngoài ra, người nghèo còn được hỗ trợ thêm rau củ quả, các vật dụng sinh hoạt khác. Năm 2021, khi đại dịch bùng phát, chùa Vĩnh Xương mở rộng hỗ trợ ra các địa bàn khác, mỗi hộ khó khăn được trao 10kg gạo.
Chương trình chăm lo hỗ trợ người nghèo tại Chùa Vĩnh Xương chỉ là một điển hình trong nhiều hoạt động hỗ trợ trên địa bàn quận 3. Theo ông Nguyễn Ngọc Châu - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận 3, 4 năm trước, Mặt trận quận đã bàn bạc với lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam quận đưa nội dung công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vào chương trình hoạt động năm. Đồng thời, phối hợp với 12 phường của quận đưa ra giải pháp “Cơ sở tôn giáo gắn với hộ nghèo”.
Giải pháp này trên địa bàn quận đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của các bên tham gia. Nhờ vậy, kết quả đạt được hết sức khả quan, cụ thể: Năm 2021, vận động 6 cơ sở tôn giáo hỗ trợ 62 hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng hoặc nhu yếu phẩm, có 3 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo; năm 2022, vận động 7 cơ sở tôn giáo hỗ trợ 61 hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng hoặc nhu yếu phẩm và có 1 hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo…
Phủ xanh các thôn quê
Một giải pháp khác được Mặt trận cùng với các cơ sở tôn giáo triển khai cũng gặt hái được nhiều kết quả tốt, có tính lan tỏa cao, đó là giải pháp “Mỗi cơ sở tôn giáo - một mảng xanh bảo vệ môi trường” tại huyện Củ Chi.
Bà Trương Thị Mỹ Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Củ Chi cho hay, năm 2019, trên cơ sở Kế hoạch phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn về bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu, MTTQ huyện đã cùng các cơ sở tôn giáo trên địa bàn vận động người dân tham gia các hoạt động BVMT. Và mô hình “Mỗi cơ sở tôn giáo - một mảng xanh bảo vệ môi trường” được ra đời. Từ đó, các cơ sở tôn giáo đã đồng thuận và thực hiện các công trình BVMT, cụ thể như: Chương “Trao cây xanh” cho các hộ dân và đồng bào phật tử trồng tại nhà; duy trì “Tuyến đường hoa chuông vàng”, do các cơ sở tôn giáo trồng và chăm sóc; “Xanh hóa hàng rào” tại các cơ sở tôn giáo... Triển khai và duy trì các hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường; duy trì chăm sóc các tuyến đường, trụ cờ xanh - sạch - thân thiện với môi trường.
Nhờ đa dạng cách làm trên, các cơ sở tôn giáo hưởng ứng những hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu với 52 công trình tại các xã, thị trấn; phối hợp với các cơ sở tôn giáo thực hiện trồng, chăm sóc hầu khắp trên các tuyến đường trên địa bàn huyện. Giải pháp này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức BVMT cho nhân dân trên địa bàn huyện; góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Ông Đào Hải Vương - người dân ở xã An Nhơn Tây chia sẻ, từ khi mô hình “Mỗi cơ sở tôn giáo - một mảng xanh bảo vệ môi trường” và nhiều hoạt động trồng cây xanh, cây cảnh bộ mặt của xã thay đổi hẳn, những điểm tập kết rác đã không còn, thay vào đó là các mảng xanh, vườn hoa rất đẹp mắt, trong lành.
Theo ông Nguyễn Ngọc Châu - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận 3, mô hình “Cơ sở tôn giáo gắn với hộ nghèo” đã phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức thành viên, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cơ sở tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo đối với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trên địa bàn quận. Điều này đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống trong nhân dân và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.