Hình tượng con trâu trong văn chương

Đỗ Anh Vũ 15/04/2021 11:10

Nếu như con trâu trong thành ngữ tục ngữ của người Việt bị gắn với nhiều ý nghĩa phê phán và chỉ trích thì khi đi vào văn học thành văn, tất cả những sắc thái tiêu cực gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.

1. Trong 12 con vật của hệ can chi, có 5 con vật cùng sống chung dưới một mái nhà trong đời sống sinh hoạt cổ truyền của người Việt, đó là trâu, gà, chó, lợn, mèo. Trong 4 con vật này thì con trâu vượt trội hằn về thể lực và chỉ có nó mới có khả năng tham gia trực tiếp vào lao động sản xuất. Tầm quan trọng của con trâu được khẳng định qua nhiều câu tục ngữ: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Tậu trâu lấy vợ làm nhà”.

Câu tục ngữ “tậu trâu lấy vợ làm nhà” vẫn được sử dụng một cách rộng rãi, trong đó hai chữ “tậu trâu” được hiểu theo nghĩa hình tượng, gắn với công ăn việc làm ổn định mà bất kỳ người đàn ông trưởng thành nào cũng phải quan tâm gây dựng. Hình ảnh con trâu làm việc trên cánh đồng cũng đã đi vào nhiều câu ca dao quen thuộc: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Người nông dân Việt Nam ân cần trìu mến với con trâu như một người bạn thân thiết: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đó ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Một trong những ưu điểm của việc nuôi trâu còn nằm ở chỗ không bị tốn kém về thực phẩm. Nếu như nuôi gà, chó, lợn, mèo còn phải cho ăn cơm, ăn cháo, ăn cám, ăn thóc thì con trâu mỗi ngày chỉ cần dăm bó cỏ là xong. Có lẽ cũng vì ăn uống rất đơn sơ mà làm việc lại quá nặng nhọc nên người Việt hay gắn con trâu với sự vất vả, khổ sở. Nhiều câu thành ngữ tục ngữ có sự xuất hiện của con trâu hay gắn với những ý nghĩa không mấy tích cực. Chẳng hạn “làm thân trâu ngựa” chỉ thân phận hèn kém phải hầu hạ người khác, “trâu buộc ghét trâu ăn” chỉ sự ghen ghét đố kỵ, “ngưu tầm ngưu mã tầm mã” chỉ những kẻ xấu thường câu kết với nhau, “đàn gảy tai trâu” chỉ những kẻ không biết tiếp thu thưởng thức nghệ thuật, “trâu lấm vẩy càn” chỉ kẻ có khuyết điểm lại đổ vấy cho người khác, “trâu chậm uống nước đục” chỉ sự thua kém do chậm trễ, “trâu già đâu nệ dao phay” chỉ kẻ liều lĩnh, không biết kiêng sợ gì, “đầu trâu mặt ngựa” chỉ kẻ lưu manh, ngang ngược hung hãn. Dĩ nhiên, bên cạnh những câu mang ý nghĩa tiêu cực vẫn có những câu mang sắc thái tích cực hoặc trung tính, mang các giá trị tổng kết kinh nghiệm của đời sống sinh hoạt người Việt, chẳng hạn: “Lạc đường nắm đuôi chó lạc ngõ nắm đuôi trâu, trâu cổ cò bò cổ giải, trâu nào ăn cỏ đồng ấy, trâu ta ăn cỏ đồng ta, chín đụn mười trâu, con trâu đi trước cái cày theo sau”. Một trong những câu tục ngữ độc đáo của người Việt là dùng con trâu để nói về chuyện luyến ái yêu đương. Câu “trâu đi tìm cọc chứ cọc không tìm trâu” muốn nói trong chuyện yêu đương/hôn nhân người con trai cần phải chủ động và quyết định mọi việc chứ đừng để người con gái phải chủ động. Con trâu trong nhiều ngữ liệu dân gian còn gắn với cả sắc thái cường điệu, hài hước: “Thương chồng nấu cháo chim cu/Chồng ăn chồng đụ như tru phá ràn”, “Đường về đêm vắng canh thâu/Nhìn em anh tưởng con trâu đang cười”. Con trâu trong đời sống sinh hoạt người Việt còn trở thành trung tâm của một số lễ hội mang tính chất đặc trưng vùng miền: “Dù ai buôn bán nơi đâu/ Mùng Mười tháng Tám chọi trâu thì về”.

2. Nếu như con trâu trong thành ngữ tục ngữ của người Việt bị gắn với nhiều ý nghĩa phê phán và chỉ trích thì khi đi vào văn học thành văn, tất cả những sắc thái tiêu cực gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Con trâu lúc này chỉ còn là một vẻ đẹp bình yên mang tính đặc trưng của làng quê. Ngay từ thế kỷ 13, trâu đã đi vào thơ của vua Trần Nhân Tông: “Mục đồng địch lý quy ngưu tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền” (Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng). Đến thế kỷ 19, ta lại gặp vẻ bình yên của làng quê Việt Nam gắn với hình ảnh con trâu qua thơ Bà huyện Thanh Quan, thơ Nguyễn Khuyến: “Gác mái ngư ông về viễn phố/ Gõ sừng mục tử lại cô thôn” (Chiều hôm nhớ nhà), “Trâu già gốc bụi phì hơi nắng/ Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người” (Đến chơi nhà bác Đặng).

Thơ Mới lãng mạn 1932 – 1945 cũng có không ít những câu thơ về trâu, đều gắn với vẻ đẹp của làng quê Việt Nam: “Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió/ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa” (Chiều xuân - Anh Thơ), “Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ” (Chợ Tết - Đoàn Văn Cừ), “Dưới gốc đa già trong vũng bóng/ Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai” (Trưa hè - Bàng Bá Lân).

Con trâu còn tiếp tục xuất hiện trong thơ Việt những giai đoạn sau, như là những kỷ niệm của một tuổi ấu thơ, là những hoài niệm trong trẻo tinh khôi của thuở hoa niên: “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” (Quê hương – Giang Nam), “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro” (Chăn trâu đốt lửa – Đồng Đức Bốn). Nếu như trong “Quê hương” của Giang Nam, kỷ niệm chăn trâu gắn với mối tình rung động thuở ban đầu, với bóng hình của người bạn gái; thì đến những câu thơ của Đồng Đức Bốn, con trâu gắn với cả những nuối tiếc. Thi sĩ như muốn níu kéo cả một thời không trở lại như cánh diều đã bay mất hút, như củ khoai đã tàn thành tro, chẳng làm sao có thể quay ngược thời gian.

3. Không chỉ đi vào thơ, con trâu còn đi vào không ít những ca khúc nổi tiếng từ trước 1954 cho đến những giai đoạn sau của âm nhạc Việt Nam. Con trâu khi đi vào các bài hát đều gắn với sự trở về làng quê, với ước mong một cuộc sống yên bình, không còn chiến tranh súng đạn: “Đàn trẻ đùa bên lũ trâu/ Tiếng hát bình yên thoáng trên bãi dâu” (Ngày trở về - Phạm Duy), “Anh trở về quê, tìm tuổi thơ của mình đã mất năm nao/ Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu với cây đa khóm trúc hàng cau” (Giã từ vũ khí – Trịnh Lâm Ngân), “Kìa bông lúa cành dâu, đàn em bé trên mấy con trâu/ Kìa cây chuối vườn dâu, trái dưa non lắc lư trên đầu” (Ta trở về - Jimmii Nguyễn).

Không chỉ đi vào thơ và nhạc, con trâu cũng đi vào nhiều tác phẩm văn xuôi danh tiếng trong văn học Việt Nam hiện đại. Tiểu thuyết “Con trâu” (1952) được coi là sự khởi đầu hoàn hảo cho văn nghiệp của nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Cùng với hai tiểu thuyết khác là “Rừng U Minh” và “Cuộc đời”, cụm ba tác phẩm này đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật, một năm trước khi nhà văn qua đời.

Trong văn hóa phương Đông, không thể không nhắc tới hình ảnh Lão Tử cưỡi trâu, là một biểu tượng của sự ung dung tiêu sái, không màng danh lợi. Về sau, nhân vật Thái Thượng Lão Quân trong “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân (thế kỷ 16) cũng cưỡi con trâu xanh để vân du khắp đó đây. Đạo Lão đã được du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 2 và phát triển mạnh cho tới thời Lý – Trần, tạo thành Tam giáo đồng nguyên Nho – Phật – Lão.

Ở Việt Nam, con trâu từ vị trí tối quan trọng trong nền văn hóa nông nghiệp đã từng được đề xuất trở thành linh vật. Tại SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, Ban Tổ chức đã quyết định chọn trâu vàng là hình ảnh mang tính biểu tượng cho toàn bộ sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này. Hình ảnh trâu vàng mang trong nó ước vọng về mùa màng ấm no, hạnh phúc, cũng gắn với sức mạnh và tinh thần thượng võ của người Việt.

Hồ Tây ngày nay giữa lòng thủ đô Hà Nội còn có tên là hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng), gắn với điển tích về phép thuật cao cường của Không Lộ thiền sư. Tương truyền, khi vua Tống ban thưởng cho Không Lộ vì đã có công chữa bệnh cho thái tử, ông được phép vào kho để lựa chọn vàng hay đồng tùy thích, Không Lộ đã dùng phép lấy một nửa số đồng đen của vua Tống về đúc chuông. Con trâu vàng là linh vật canh kho của vua Tống nghe tiếng chuông từ nước Nam thì chạy lồng về để tìm mẹ, tìm mẹ không thấy nên quần đảo cả một vùng khiến đất sụt xuống, tạo thành hồ Tây ngày nay. Không Lộ thả chuông xuống hồ, trâu vàng cũng nhảy xuống biến mất theo chuông.

Trong tâm thức của nhiều người Việt, trâu vàng vì thế mãi mãi là một con vật linh thiêng, có thể kết nối với thần linh, mang theo lời thỉnh cầu về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hình tượng con trâu trong văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO