Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở

Thanh Lương 11/08/2017 14:15

Kiên Giang có 15 xã đặc biệt khó khăn (trong đó có 6 xã nằm ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 9 xã vùng biên giới, ATK). Để giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp, từ nay đến năm 2020, tỉnh thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn, bảo đảm các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, nâng mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Những con đường được bê tông hóa từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Thoát nghèo từ các nguồn vốn vay
Hiện nay, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh Kiên Giang có 35.233 hộ nghèo, chiếm 8,32% và 19.135 hộ cận nghèo, chiếm 4,52% tổng dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hàng chục công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trụ sở xã, chợ, cấp nước sinh hoạt…phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; xây cất hàng nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.

Đặc biệt, cùng với nguồn vốn Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách tại 15 xã đặc biệt khó khăn, với gần 20 nghìn hộ vay vốn. Từ nguồn vốn vay này đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất. Đa số hộ nghèo ở đây vay vốn để chăn nuôi, như hộ gia đình chị Bình, chị Thanh ở xã Thổ Sơn (huyện Hòn Đất). Khi nhận được nguồn vốn, gia đình các chị đã nuôi lợn thương phẩm, nuôi bò thịt.

Bắt đầu từ mô hình nhỏ, hiện nay gia đình chị Thanh đã có một đàn lợn gần 50 con, cứ khoảng 4-5 tháng lại xuất chuồng 2,5 tấn lợn thịt, lợi nhuận thu về gần 100 triệu đồng/năm. Còn nhà chị Bình, từ khi nhận được vốn vay chị đã mua một con bò cái và một chú bê con. Khi con bê lớn, gặp lúc được giá, chị bán để lấy tiền sửa nhà và mua giống cây, phân bón sản xuất nông nghiệp.

Đời sống của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn đang được cải thiện đáng kể. Kinh tế ổn định nên người dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động, nhất là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hiện 14/15 xã đặc biệt khó khăn có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 55% ấp có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chí NTM; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 95%, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%; tỷ lệ xã có trường mẫu giáo theo quy định đạt 84,8%, trạm y tế đạt chuẩn 63%. Nhiều hộ nghèo đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 có 61 xã, hai huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận được công nhận nông thôn mới; khuyến khích huyện Giồng Riềng và Kiên Lương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; hai địa phương vùng biên giới là huyện Giang Thành và thị xã Hà Tiên có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã và huyện Tân Hiệp đã đạt nông thôn mới tiếp tục nâng lên chất lượng, tính bền vững, phát huy hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Mai Văn Huỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thời gian qua các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm, tích cực thực hiện công tác dân tộc, nhất là công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, giáo dục – đào tạo, y tế và đầu tư cơ sở hạ tầng, bộ mặt vùng nông thôn, biên giới, hải đảo đổi thay đáng kể…

10.106 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà
Nhằm giúp các hộ nghèo an cư lạc nghiệp, thoát nghèo bền vững, đề án hỗ trợ nhà ở của tỉnh dự tính từ nay đến năm 2020, tổng số hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở là 10.106 hộ; mỗi căn nhà được hỗ trợ trị giá hơn 30 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện đề án là trên 300 tỷ đồng từ nguồn vay ngân hàng chính sách xã hội, ngân sách địa phương hỗ trợ, quỹ Vì người nghèo và các nguồn vốn lồng ghép từ những chương trình, mục tiêu khác.

Đối tượng thụ hưởng chính sách này là hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, nằm trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý, có thời gian tách hộ tối thiểu là 5 năm. Điều kiện kèm theo là hộ nghèo chưa có nhà hoặc có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, trước nguy cơ đổ sập, không có khả năng cải thiện, xây cất nhà ở; hộ nghèo chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm.

Tỉnh cũng hỗ trợ trường hợp hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo... bị sụp đổ, hư hỏng nặng, có nguy cơ đổ sập do mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất, hỏa hoạn…chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã được hỗ trợ có thời gian từ 8 năm trở lên tính đến thời điểm này, nhưng hiện nhà xuống cấp, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn nhưng hộ này không có khả năng nâng cấp, sửa chữa nhà cửa.

Cùng với nhiều chương trình, mục tiêu giảm nghèo khác của Chính phủ đang được triển khai, việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo sẽ góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kiên Giang.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được triển khai theo từng năm và hoàn thành vào năm 2020. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, lập danh sách theo thứ tự ưu tiên đối với những hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở để hỗ trợ xây dựng trước. Việc bình xét đối tượng thụ hưởng được thực hiện công bằng, công khai.

UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang chủ trì và phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc phê duyệt, hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra, bố trí kinh phí thực hiện đề án đúng tiến độ, kế hoạch. Khi đề án, chương trình hoàn thành, địa phương nào còn nhà ở tạm bợ, hư hỏng và hộ nghèo không có nhà hoặc nhà ở chưa được cải thiện, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

“Hiện nay, các xã nghèo thuộc Chương trình 135 có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là 11,3% là xã Vân Khánh Đông (huyện An Minh) và xã Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên) có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là 1,9% trong số các xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016 - 2020, Kiên Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả tỉnh từ 1 - 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo xã đặc biệt khó khăn giảm 2 - 2,5%/năm”, ông Mai Văn Huỳnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO