Hỗ trợ thiết thực

Tinh Anh 03/07/2021 09:00

Ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với số tiền lên tới 26 nghìn tỷ đồng. Rút kinh nghiệm những vướng mắc ở lần hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, lần hỗ trợ này sẽ giảm tối đa mọi thủ tục rườm rà không cần thiết.      

Còn nhớ, năm 2020, dù Chính phủ đưa ra chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ sớm, nhưng đã có tình trạng lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Không những vậy, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng (theo Nghị quyết 42) trong năm 2020 còn vướng nhiều “barie kỹ thuật” khiến người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Quá trình triển khai, rất nhiều người lao động, chủ sử dụng lao động “khóc ròng” vì “không đủ điều kiện” thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, dù số tiền dự trù trong gói hỗ trợ vẫn dồi dào. Đến hết năm 2020, số tiền “thừa” (khá nhiều) do “không hỗ trợ hết” cho người dân, doanh nghiệp được chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Trong khi đó, có không ít doanh nghiệp do không thể tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ bởi những rào cản kỹ thuật đã dẫn đến hiện trạng sản xuất kinh doanh thoi thóp, thậm chí phá sản. Nhiều người lao động là đối tượng cần được hỗ trợ như bị mất việc làm, giảm thu nhập..., nhưng thủ tục quá nhiều giấy tờ nên nản quá đành bỏ cuộc.

Có những người là lao động chính do “thiếu điều kiện” để được thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ mà cuộc sống vô cùng khó khăn vẫn không tiếp cận được hỗ trợ.

Lần này, theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, sẽ giảm thiểu tối đa các loại “hàng rào kỹ thuật” trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng, để người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có thể dễ dàng tiếp cận. Hy vọng thực tế triển khai gói hỗ trợ này sẽ thật sự đạt được mục đích đề ra.

Ông Đào Ngọc Dung khẳng định rằng, lần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp này đã quán triệt tinh thần: Thủ tục gì mà luật không bắt buộc thì bỏ qua không cần. Chẳng hạn, sẽ không có quy định doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ phải đảm bảo điều kiện đã trả trước 50% lương ngừng việc cho người lao động, hay đã sử dụng hết quỹ tiền lương...

Ngay cả người lao động thuộc diện được thu hưởng gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng lần này của Chính phủ chắc chắn cũng sẽ không bị chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền bắt chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin xác nhận đủ loại giấy tờ. Chỉ cần có thể chứng minh (đơn giản) đúng đối tượng thuộc diện thụ hưởng là được nhận tiền hỗ trợ.

Người đứng đầu Bộ LĐTBXH cũng không quên giải thích vì sao gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng năm 2020, người dân, doanh nghiệp lại khó tiếp cận đến vậy. Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, gói an sinh hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động theo Nghị quyết 42 là chính sách rất đặc thù, chưa có tiền lệ, nên khó tránh khỏi vướng mắc.

Chính vì đã có tiền lệ không mấy suôn sẻ đó nên các cơ quan chức năng đã “rút kinh nghiệm sâu sắc” khi xây dựng gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng lần này. Tư lệnh ngành LĐTBXH hứa gói hỗ trợ mới sẽ được tinh giản tối đa các thủ tục, điều kiện làm sao đơn giản, thông thoáng nhất, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận.

Để tránh những vướng mắc trong việc phân bổ tiền hỗ trợ của người lao động và chủ sử dụng lao động, Nghị quyết 68 còn quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ. Theo đó, trong vòng 2-3 ngày từ khi tiếp nhận hồ sơ xin hỗ trợ phải giải quyết, nếu không đồng ý thì cũng phải trả lời bằng văn bản.

Đối với nhóm người yếu thế là các lao động tự do cần được hỗ trợ, Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động lên danh sách, cân đối nguồn thu để chi trả hỗ trợ. Chính phủ cũng đồng thời quy định mức hỗ trợ “sàn” (không dưới 1,5 triệu đồng/ người/ tháng, hoặc không dưới 50.000 đồng/ người/ ngày) để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Như vậy, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ trong năm nay đã có sự đúc rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng năm 2020, để tránh việc tiền thì có sẵn mà người dân, doanh nghiệp chỉ biết đứng nhìn. Hy vọng, với các thủ tục thông thoáng, được tinh giản tối đa sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ để trụ vững trong cơn bão dịch lần thứ 4 này. Hỗ trợ như thế mới là thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ thiết thực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO