Hóa giải hận thù và bất công

Khương Hạ 19/05/2019 09:05

Nhân dịp Đại lễ Versak Liên Hiệp Quốc Phật lịch 2563 (2019), được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, 12 – 14/5/2019), bà Audrey Azoulay đã gửi thông điệp chúc mừng, trong đó có đoạn: “Ngày Vesak Liên Hợp Quốc này là một thời điểm để tư duy về tầm quan trọng của giáo lý Đức Phật đối với hòa bình thế giới bền vững và công bằng xã hội. Trong một thế giới liên kết sâu sắc nhưng vẫn bị chia sẽ bởi sự bất bình đẳng không thể chấp nhận được, xung đ

Hóa giải hận thù và bất công

Dự án Trần Nhân Tông là những giá trị đã truyền cảm hứng bởi vị Anh minh Hoàng đế thế kỷ XIII, người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chân thực, tiếp tục tràn ngập cuộc sống hằng ngày trên khắp non sông đất nước Việt Nam và hơn thế nữa. Dự án Trần Nhân Tông quy mô lớn là những giá trị đóng vai trò chính trong tư duy, chúng ta phải nuôi dưỡng một loại thần dược để hóa giải hận thù và bất công”…Không ngẫu nhiên mà trong thông điệp gửi cho Đại lễ Versak năm nay, bà Tổng Thư ký UNESCO lại nhắc tới vị vua thứ ba của nhà Trần và dự án mang tên ông. Sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thực sự đã là một biểu tượng sáng ngời trong an dân, trị quốc. Trần Nhân Tông ngay từ khi chưa xuất gia đã luôn luôn chủ trương lấy nhân nghĩa để liên kết nhân tâm vì việc chung, vì nghĩa lớn trong thiên hạ. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã từng nhận định: Trần Nhân Tông “trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ, thì sao được như thế”.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Trần Nhân Tông, tên húy là Khâm, sinh ra vào mùa đông, nhằm đúng ngày 11/11/1258.

Lúc mới chào đời, “được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng… Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn”. Ông lên ngôi năm 1278 vào mùa đông. Trần Nhân Tông chỉ ở ngôi có 15 năm cho tới năm 1293, nhưng đã lập được nhiều võ công hiển hách. Chính trong giai đoạn ông trị vì, quân Nguyên Mông từ năm 1285 tới 1287 đã hai lần táo tợn sang đánh Đại Việt nhưng đều phải ôm đầu máu chạy về nước. Bí quyết thành công không chỉ ở tài năng thiên phú của Trần Nhân Tông mà cả ở đức độ và tinh thần đoàn kết trên dưới trong ngoài của ông đã giúp tạo dựng một sức mạnh vô địch cho Đại Việt.

Trần Nhân Tông đã thu hút được rất nhiều người tài giúp mình. Chính những người tài này đã giúp nhà vua dẹp yên nhiều nhiễu nhương và rối loạn trong nội bộ quốc gia để khi cần tập trung tổng lực chống giặc ngoại xâm, sĩ khí và trí lực của Đại Việt lúc đó không lúc nào thiếu.

Một thí dụ, vụ chiêu hàng Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang mà sách ĐVSKTT có chép. Số là, sau khi biết Trịnh Giác Mật làm phản, Trần Nhân Tông đã sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật, người có trách nhiệm coi sóc đạo Đà Giang đi dụ hàng. Trần Nhật Duật vốn chẳng lạ gì địa bàn này vì từ lâu ông cũng đã làm được nhiều việc ở đây, ân uy đủ cả… Hay tin, Mật trong lòng cũng nao núng nhưng vẫn sai người đến quân doanh của Trần Nhật Duật nói cứng: “Mật không giám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng". Trần Nhật Duật nhận lời ngay, chỉ đem năm sáu tiểu đồng cùng đi dù các tùy tướng thân cận ngăn lại vì sợ Mật tráo trở. Trần Nhật Duật gạt đi hết: "Nếu Mật có giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến". Bất chấp việc người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong để thị uy trong trang trại, Trần Nhật Duật vẫn điềm tĩnh đi thẳng vào, trèo lên trại, buộc Mật phải lễ phép mời ông ngồi.

Trần Nhật Duật vốn là một quan gia, trí tuệ và trí thức sây dày, thạo biết nhiều thổ ngữ và am hiểu phong tục của nhiều nước nên đã hành xử với Mật theo đúng kiểu người Man, cùng ăn bốc và cũng uống bằng mũi. Chuyến đi “vào hàng hùm” của Trần Nhật Duật khiến Mật đã đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng… Sự cố được xử lý êm xuôi không tốn một mũi tên… Trần Nhân Tông cũng đã kịp thời khen ngợi và đối xử rất tử tế với Mật và con cháu của ông này…

Trần Nhân Tông rất ưu ái với các tài năng, ngay cả khi những tài năng đó “nhân vô thập toàn”. Cung cách mà ông đối xử với Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư cũng là theo hướng đó. Ông quan võ có phong độ cướp biển Trần Khánh Dư từng lập chiến công đánh úp quân Nguyên nên đã được Trần Nhân Tông khen ngợi có trí lược, lập làm Thiên tử Nghĩa Nam. Trần Khánh Dư sau đó còn dẹp được người Man ở vùng núi nên được phong làm Phiêu Kỵ Đại tướng quân. Đây là chức vụ mà nếu không phải là hoàng tử thì không được phong, nhưng vì Trần Khánh Dư là Thiên tử Nghĩa Nam nên mới được hưởng đặc ân này. Cứ thế Trần Khánh Dư đã được phong lên tới chức Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ. Tuy nhiên, Trần Khánh Dư lại bị mắc tội đầu mày cuối mắt với công chúa Thiên Thuỵ, khi đó đang là vợ của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trần Nhân Tông trong tình thế khó xử vì rất ngại Trần Hưng Đạo phật ý nên mới bên ngoài thì sai người phải “đánh chết Trần Khánh Dư” ở Hồ Tây, nhưng bên trong lại dặn đừng quá tay để Trần Khánh Dư phải chết. Để làm nghiêm phép nước, sau vụ này, Trần Nhân Tông đã phải xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản không để lại cho Trần Khánh Dư một chút gì. Cực chẳng đã, ông phải đi làm nghề bán than kiếm kế sinh nhai ở châu Chí Linh…

Một lần, thuyền Trần Nhân Tông đỗ trên bến Bình Than. Lúc đó, nước triều đã rút, gió lồng lộng. Bỗng nhiên vua thấy đi ngang qua là một chiếc thuyền lớn chở than củi mà trên đó là một người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn, trông rất giống Trần Khánh Dư. Trần Nhân Tông mới chỉ và bảo quan thị thần:

- Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?

Rồi vua sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than thì kịp. Khi nghe quân hiệu bảo là có lệnh vua triệu thì Trần Khánh Dư đã ngang ngạnh nói:

- Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu.

Nghe quân hiệu tâu lại, Trần Nhân Tông không những không nổi lôi đình mà lại thốt lên đầy thương cảm:

- Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế.

Và vua lại sai nội thị đi gọi. Khi Trần Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá đến, vua xót xa than:

- Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi…

Rồi Trần Nhân Tông xuống chiếu tha tội cho Trần Khánh Dư, ban cho áo ngự, cho ngồi vào hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước… Không phải Trần Nhân Tông không biết rõ những điểm yếu của Trần Khánh Dư nhưng với ông, tài làm tướng của ông này là cần cho đất nước trong thời điểm gian nguy phải đối mặt với nguy cơ xâm lược lớn từ phía nhà Nguyên nên ông cũng phải bỏ qua nhiều điều sai quấy của Trần Khánh Dư. Về sau Trần Khánh Dư cũng lập được những võ công không nhỏ…

Trần Nhân Tông là vị hoàng đế rất tôn trọng ý dân, biết dựa vào lòng dân để tụ nghĩa. Tháng 12-1284, sau khi nhận được tin vua Nguyên sai bọn Thái tử Trấn Nam vương Thoát Hoan, Bình chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân mượn cớ đi đánh Chiêm Thành nhằm thừa cơ thôn tính nước ta, Trần Nhân Tông đã đứng ra triệu tập Hội nghị ở điện Diên Hồng, mời các bậc phụ lão trong nước tới họp. Vua đãi tiệc và hỏi kế đánh giặc. Và tất cả các bậc phụ lão muôn người như một đều thét lên “Đánh!”. Sử gia Ngô Sĩ Liên bình: Trần Nhân Tông làm thế “để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để nghe lời hay vậy”…

Trong cách đối xử với kẻ thù của Trần Nhân Tông cũng có thể thấy tinh thần trọng nghĩa khí và đạo lý rất nhất quán. Hạ tuần tháng 3/1285, quân ta đánh bại giặc ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều. Nguyên soái Toa Đô của quân Nguyên cũng đại bại trong một trận kịch chiến rất ác liệt, chỉ khi kiệt sức mới buông vũ khí. Khi trông thấy thủ cấp của Toa Đô, Trần Nhân Tông không những kìm nén được căm hận mà đã thốt lên một câu cảm khái: “Người làm tôi phải nên như thế này”. Rồi nhà vua đã cởi áo ngự, sai quân đem liệm xác Toa Đô… Sử thần Ngô Sĩ Liên đã bình: “Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bậc đế vương. Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy”!

Mùa xuân năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên, về làm Thái Thượng Hoàng. Hoàng thái tử Thuyên lên ngôi, tức vua Trần Anh Tông. Không còn cần phải ngồi trên ngôi báu nữa, Trần Nhân Tông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình rồi sau đó rời đến Yên Tử, Quảng Ninh. Chính tại đó ông đã lập ra Thiền phái Trúc Lâm, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này và về sau được gọi cung kính là Phật Hoàng…

Trần Nhân Tông qua đời ngày 3/11 âm lịch năm 1308 tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Ông được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân. Các sử gia thời Hậu Lê đã nhận định về ông trong ĐVSKTT như sau: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hóa giải hận thù và bất công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO