Họa sĩ Phạm An Hải: Thị trường mỹ thuật sẽ sôi động, nếu...

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 22/08/2020 09:00

Từ lâu, người ta đã đồn họa sĩ Phạm An Hải là cái tên “vẽ không kịp bán”. Người ta cũng đồn, anh là “họa sĩ triệu đô”, là người nằm trong top 20 họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt Nam. Người ta cũng còn xưng tụng anh là “danh họa” khi mới ở tuổi 53. Tôi mang theo những lời đồn ấy cùng nhiều câu hỏi khi lần đầu trò chuyện với họa sĩ Phạm An Hải.

Họa sĩ Phạm An Hải.

PV:Tôi có dịp đến nhà của một số họa sĩ đương đại Việt Nam, và nhận ra một điều, dù ở chung cư hay nhà đất nhưng đều được thiết kế rất đẹp, và thường rất rộng. Tư gia của họa sĩ Phạm An Hải cũng vậy. Lần đầu đến nhà anh, thật sự tôi có cảm giác “choáng ngợp” vì nó không chỉ rộng, mà còn được thiết kế rất hiện đại, có cả cầu thang máy…

Họa sĩ Phạm An Hải: Đúng vậy, do nhu cầu công việc nên họa sĩ ai cũng ao ước có cái xưởng vẽ rộng, còn không gian nội thất thì theo gu của từng người. Tôi mất một năm nghỉ vẽ để xây dựng căn nhà này.

Ngôi nhà, với anh có ý nghĩa như thế nào?

- Rất ý nghĩa với tôi, vì nó vừa là chỗ làm việc và nghỉ ngơi rất tiện lợi.

Nhà ở kiêm luôn xưởng vẽ sẽ giúp anh không bỏ lỡ những ý tưởng, cảm xúc vụt đến?

- Đúng vậy. Thiết kế một ngôi nhà “2 trong 1” giúp tôi thực hiện được những cảm xúc chợt đến rất thuận lợi và không bị cảm giác gò bó như trước kia phải đi thuê xưởng vẽ.

Nhưng để sở hữu được một mảnh đất rộng, rồi xây dựng nó như hiện nay, hẳn phải có tiền? Nói cách khác, phải giàu?

- Tất nhiên là không dễ dàng gì. Tôi phải mất hơn 10 năm mới có nó mà còn phải rất may mắn vì đó là số tiền khá lớn.

Tôi từng nghe chuyện kể rằng, khi anh đang thiếu tiền để hoàn thiện ngôi nhà thì bỗng “xuất hiện” một tỷ phú. Ông ấy tìm đến anh, xem tranh qua catalogue, liền lúc chọn mua mấy chục bức tranh của anh, và đặt ngay xuống bàn một bọc đô la rất lớn?

- Đó là tỷ phú người Pháp Alain Dupie - người trước đó đã mua khá nhiều tranh của tôi tại Thavibu gallery ở Bangkok (Thái Lan). Khi ông có dự án resort tại Biển Hồ - Campuchia thì đã quyết định bay sang Việt Nam đúng một ngày để chọn và gần như mua hết só tranh của tôi có lúc đó tại xưởng. Kết quả là sau “thương vụ” đó, tôi có số tiền khá lớn để xây nhà.

Đó có phải là người sở hữu nhiều tranh nhất của anh tính tới thời điểm này?

- Không, không phải. Nhà sưu tập nhiều nhất hiện có khoảng 71 bức to nhỏ khác nhau từ 40x50cm đến 200x480cm, ông tỷ phú đó đứng thứ 5 về số lượng sở hữu các tác phẩm của tôi.

Anh đánh giá như thế nào về xu hướng đầu tư và sưu tập tranh của người Việt trong mấy năm qua?

- Rõ ràng là người Việt đã mua nhiều hơn trước kia. Tranh trừu tượng dù sao vẫn còn lạ lẫm với nhiều nhà sưu tập Việt nên tôi cũng không thể đánh giá hết được.

Anh có lạc quan về thị trường tranh ở Việt Nam?

- Lạc quan chứ. Thị hiếu nghệ thuật của người dân mình ngày càng tốt và kinh tế phát triển thì nhu cầu sẽ càng ngày càng cao.

Lạc quan bất chấp thị trường ấy cũng đang chứa đựng nhiều rủi ro, khi nạn tranh giả ngày một ngang nhiên hơn?

- Việc rủi ro thì luôn có nhưng tôi nghĩ nếu các họa sĩ nâng cao được sự tự trọng thì thì trường sẽ giảm thiểu được những rủi ro đó.

Anh sẽ nói gì khi có ý kiến cho rằng, thị trường mỹ thuật Việt cũng khó lường hơn, khi chính họa sĩ cũng chép lại, vẽ lại y nguyên tranh của chính mình để bán?

- Thú thật vấn đề này tôi cũng không biết nên cũng không thể nói được điều gì.

Anh vừa nói nhu cầu mua tranh của người Việt ngày càng nhiều. Vậy thì cách nào để thị trường mỹ thuật trở nên sôi động hơn, chất lượng hơn?

- Tôi cho rằng thị trường mỹ thuật sẽ sôi động hơn khi có thị trường thứ cấp phát triển, nghĩa là sẽ có các giao dịch của các nhà sưu tập, các nhà đầu tư.

Vậy theo anh, các nhà sưu tập Việt Nam có tác động nhiều không đến thị trường mỹ thuật?

- Thật ra các nhà sưu tập của Việt Nam còn rất ít, hiện nay có thể nói họ chưa tác động được gì đến sự sáng tác, sáng tạo của các nghệ sĩ.

Theo anh, có nhất thiết phải rạch ròi khái niệm tranh nghệ thuật, tranh thị trường không?

- Theo tôi quan niệm như vậy là sai. Tranh thì sẽ có hai loại nghệ thuật và phi nghệ thuật, thị trường nghệ thuật thì có cấp thấp và cấp cao.

Tôi nhớ cách đây chưa lâu, anh viết trên facebook cá nhân bày tỏ thái độ rất thẳng thắn về việc có nhà sưu tập tranh, sau khi mua tranh của anh đã dùng nhiều chiêu trò tạo sóng phá giá? Hẳn là có những điều khiến một họa sĩ như anh cảm thấy phiền lòng?

- Họ không phải nhà sưu tập, họ chưa đủ tư cách để gọi họ như vậy. Họ là những người buôn cò con và phá giá tạo sóng rơi để hòng mua rẻ các tác phẩm của tôi từ các nhà sưu tập khác. Nhưng họ bị nhầm đối tượng vì các nhà sưu tập tranh tôi phần lớn là người nước ngoài. Các nhà sưu tập tranh của tôi họ lại không chơi facebook và không quan tâm đến những nhóm buôn bán vặt đó vì họ mua để chơi và đầu tư lâu dài, họ phần lớn mua qua các kênh đấu giá của Sothebys và các gallery uy tín trên thế giới.

Anh, trong tư cách của một họa sĩ đương đại khá đắt hàng hiện nay, quan niệm như thế nào về “danh họa”?

- “Danh họa” cũng chỉ là một chữ Hán Việt giản dị thôi, chả có gì to tát đâu (Cười). Danh họa là từ ngữ để chỉ một họa sĩ thành danh và đó là một từ để tôn vinh trân trọng cho công việc và sự nghiệp của một họa sĩ. Việt Nam mình có rất nhiều người có thể gọi như vậy khi họ là những họa sĩ nổi tiếng.

Với cá nhân, tôi thấy tôn vinh như vậy là không có gì sai hay quá. Vì tôi được giải nhì tranh đương đại thế giới tại Mỹ năm 2015, được Sotheby tôn vinh là một trong 20 họa sĩ trừu tượng của Đông Nam Á trong vòng 100 năm, được tổ chức EASS của Ý đánh giá là những nghệ sĩ tốt của thế giới năm 2016 trong cuốn sách “The best Modern and Contemporary Artists 2016”… Tôi thấy tự hào khi được công nhận những cố gắng lao động nghệ thuật và rất hạnh phúc khi được ghi nhận lao động!

Mà theo tôi thì gọi là gì cũng không quá quan trọng, là họa sĩ thì tác phẩm nên là cái phải đặt lên hàng đầu, còn những cái khác không quan trọng lắm (Cười).

Anh đến với hội họa như thế nào? Vì sao lại lựa chọn trường phái trừu tượng dù anh được đào tạo khá “đủ món”?

- Thật ra đó gần như là một duyên nghiệp và là câu chuyện rất dài như quá trình học của tôi vậy. 11 năm và rất vất vả…

Quyết định rời bỏ công việc họa sĩ thiết kế báo chí để chuyên tâm cho sự nghiệp hội họa lúc đó có phải là quyết định khó khăn?

- Đúng vậy. Đó là quyết định khó khăn, vì rời bỏ vị trí công việc là đồng nghĩa không có tiền sinh sống. Nhưng vì yêu nghề và liều mình để thoát khỏi sự làm việc rập khuôn gò bó về giờ giấc thì quyết tâm theo đuổi dù bị rất vất vả và khó khăn tôi vẫn chấp nhận. Bây giờ thì tôi thấy may mà thoát ra được sớm…

Vẽ, với anh là gì?

- Với tôi vẽ là học, là chơi, là rèn luyện, là công việc lao động kiếm tiền, là hưởng thụ (Cười).

Có thời điểm, hay giai đoạn nào anh cảm thấy bế tắc? Và thường thì anh giải quyết nó bằng gì?

- Với việc vẽ thì rất hay gặp bế tắc nhưng mỗi khi vượt qua được ta sẽ trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn và tôi thường giải quyết bế tắc một cách trực diện khi nào xong mới thôi.

Tôi thấy trong nhà anh có những thiết bị nghe nhạc rất hiện đại, sành điệu. Vậy âm nhạc có khi nào là một liều doping giúp anh giải tỏa khi bế tắc?

- Tôi nghe nhạc gần như suốt trong những lúc ở xưởng vẽ nhưng nó chỉ đóng vai trò như người bạn nói chuyện gì đó mình nghe hoặc không cho vui vậy thôi, vì hầu như, khi vẽ tôi tự đối thoại với mình thôi.

Anh thường vẽ khi nào?

- Tôi thường vẽ chiều, và tiếp tục vẽ từ sau 21 giờ đến 2, 3 giờ sáng.

Anh là một trong số những họa sĩ Việt Nam có tranh xuất hiện ở nhiều quốc gia. Việc tìm đường để đưa tranh ra với thế giới thường được thực hiện như thế nào thưa anh? Và đâu là khó khăn mà họa sĩ Việt Nam phải vượt qua?

- Việc đó thì do các gallery họ tự làm và mình có cơ may làm việc với vài gallery lớn từ rất sớm và đó là cơ duyên họ chọn mình chứ mình đâu biết gì khi hơn 20 năm trước. Khó khăn với họa sĩ Việt Nam là rất khó để tiếp cận các gallery uy tín hoặc các nhà sưu tập lớn nên việc bán các tác phẩm được giá cao là cực kỳ khó.

Vậy thì theo anh, các họa sĩ Việt Nam có cần một tổ chức đứng ra để giới thiệu hội họa đương đại Việt Nam với thế giới?

- Đương nhiên nếu có được điều đó thì quá tốt và chính tôi cũng lập ra Viet Art Now để mong sẽ thực hiện được ý tưởng này! Hiện số thành viên của - Viet Art Now khoảng trên 10 ngàn người.

Xin cảm ơn họa sĩ Phạm An Hải!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Phạm An Hải: Thị trường mỹ thuật sẽ sôi động, nếu...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO