Hoài niệm

Vi Cầm 25/11/2015 09:41

Câu chuyện điện ảnh quốc doanh cũng khiến người ta nhớ đến những dịch vụ đã tồn tại và gắn với ký ức của người Hà Nội nhiều thập kỷ như phở mậu dịch, cắt tóc mậu dịch…Dẫu nay những dịch vụ ấy đã không còn, hoặc nếu có thì cũng chỉ tồn tại trong lay lắt…Nhưng tất cả vẫn nằm trong những ký ức đẹp của người Thủ đô, hoài niệm đẹp về một thời…xa vắng. 

Hoài niệm

Rạp Dân Chủ trên phố Khâm Thiên đã thông báo ngừng hoạt động (Ảnh: T.L).

Rạp Dân Chủ trên phố Khâm Thiên (Hà Nội) vừa bất ngờ thông báo ngừng hoạt động. Những thông tin đăng trên fanpage của rạp Dân Chủ ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trên thực tế, lâu nay không ít khán giả đã không còn thường xuyên đến rạp xem phim. Cùng với đó hệ thống rạp chiếu bóng quốc doanh cũng đã từ lâu hoạt động thoi thóp, cầm chừng… thì ai cũng biết. Nhưng thông tin về việc đóng cửa một trong những rạp chiếu phim gắn liền với ký ức của bao người Hà Nội (cho dù chưa hẳn đã là vĩnh viễn), đã ít nhiều khiến khán giả tiếc nuối, hoài niệm.

Sự tiếc nuối ấy có lẽ cũng bắt nguồn từ cung cách làm điện ảnh “bao cấp” tồn tại đã quá lâu. Với người Hà Nội, những rạp chiếu phim như Dân Chủ, Ngọc Khánh, Bạch Mai, Tháng Tám… gần như gắn liền với ký ức. Đã một thời đây là những điểm đến lý tưởng cho những người yêu nghệ thuật thứ Bảy. Nhưng giờ thì qua rồi thời hoàng kim, nếu không nhằm những đợt chiếu phim phục vụ các liên hoan điện ảnh trong và ngoài nước, những sự kiện ra mắt phim… thì người ta sẽ đếm được số khán giả trong từng suất chiếu. Thậm chí có những rạp đã lâu rồi, không còn được nhớ tới nữa như rạp Bạch Mai nằm tại số 437 phố Bạch Mai, Q. Hai Bà Trưng.

Thực tế cho thấy, không riêng gì ở Thủ đô mà hiện có hàng trăm rạp phim do Nhà nước quản lý ở hầu khắp các địa phương đều trong tình trạng ngắc ngoải, và không còn đủ sức cạnh tranh với hệ thống rạp hiện đại và tiện lợi của tư nhân. Tại sao lại có tình trạng “kém cạnh” như vậy, trong khi các rạp quốc doanh đều tọa lạc ở vị trí đắc địa, ở những con phố đẹp của Thủ đô?

Lãnh đạo của Cty điện ảnh Hà Nội cũng đã chia sẻ: Chúng tôi gần như lực bất tòng tâm suốt mấy chục năm qua, phải chấp nhận để những điểm rạp chiếu phim nổi tiếng ở Hà Nội cứ rơi rụng dần. Việc đầu tư vào các cụm rạp bị mắc ở giữa vì đơn vị phải hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn phải phục vụ các hoạt động chính trị. Mặt khác, đã có lúc chúng tôi muốn bắt tay với doanh nghiệp bên ngoài để đầu tư xây dựng, nâng cấp rạp nhưng không được thành phố cho phép.

Năm 2014, người ta cũng xôn xao chuyện trong khi có tới 20 rạp chiếu bóng giữa Thủ đô đang hoạt động lay lắt cầm chừng, thì Hà Nội lại có thêm hai rạp chiếu phim mới được đầu tư, xây dựng với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Đó là Fafilm Cinema - 19 Nguyễn Trãi, cùng rạp Sơn Tây - dự kiến đến năm 2016 sẽ sửa chữa, nâng cấp xong toàn bộ.

Điều mà ngay cả những người bình thường cũng nhìn thấy rõ nhất là những rạp phim Nhà nước ấy lạc hậu ngay từ hướng đầu tư. Bởi trong khi nhu cầu thưởng thức điện ảnh kỹ thuật cao đang phát triển thì những rạp mới được đầu tư ấy lại chỉ có thể phục vụ phòng chiếu 2D.

Và cũng đã từ lâu rồi, nguy cơ “xóa sổ” rạp Tháng Tám (45 Hàng Bài- Hà Nội) đã được đặt ra. Đây là rạp do Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội quản lý, khai thác hoạt động. Đã lâu rồi, rạp Tháng Tám cố gắng tồn tại bằng cách duy trì những suất chiếu phim vòng đầu khi phim bom tấn ra rạp, giảm giá vé đến tối đa, nâng cấp trang thiết bị phòng chiếu, từ một phòng rộng 1.200 chỗ thành năm phòng chiếu 2D, 3D.

Nhưng xem ra sự cố gắng ấy chẳng thể thay đổi cục diện khi dăm năm qua khán giả đến với rạp ngày càng thưa. Thậm chí có những suất chiếu vào giờ vàng các ngày cuối tuần cũng chỉ vỏn vẹn có…6 khán giả. Doanh thu không đủ chi cho nhân công, thuế đất tăng gấp năm lần kể từ năm 2011 đến nay. Chính vì thế, mà nguy cơ xóa sổ là có thật.

Số phận của rạp Tháng Tám giờ đây chỉ còn chờ phán quyết từ phía TP Hà Nội. Có lẽ vậy nên khi nghe thông tin về việc đóng cửa rạp Dân Chủ, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng. Âu cũng bởi sự thông báo đóng cửa quá là đường đột (chỉ cách đó 2 hôm trước rạp vẫn còn hoạt động bình thường). Khán giả còn ngỡ ngàng bởi lẽ lâu nay họ cứ nghĩ nếu có đóng cửa (cho dù là tạm thời)- thì đó phải là rạp Tháng Tám trước…

Vì chưa có thông tin sau “hậu” đóng cửa nên người ta đang còn đoán già đoán non. Một số nguồn tin cho rằng, việc rạp Dân Chủ đóng cửa không hẳn là vì làm ăn thua lỗ mà có thể do liên quan đến chuyện giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Khâm Thiên. Nhưng cũng có người cho rằng sở dĩ họ đóng cửa rạp Dân Chủ để sử dụng mặt bằng vào mục đích thương mại…

Chỉ biết rằng, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn, cao hơn nhu cầu giải trí của người dân, vài năm trở lại đây, hệ thống các rạp chiếu phim ở Hà Nội và các thành phố lớn mở ra khá nhiều. Có thể kể các cụm rạp lớn như CGV, Platinum, Lotte... với chất lượng âm thanh, ánh sáng, các tiện nghi ngày càng hiện đại. Các rạp chiếu phim mới này ra đời và tồn tại song song với những cụm rạp cũ đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn. Xu hướng muốn khám phá những điều mới lạ và vươn đến chất lượng phục vụ tốt hơn đã khiến những rạp quốc doanh ngày càng thưa vắng khán giả.

Câu chuyện điện ảnh quốc doanh cũng khiến người ta nhớ đến những dịch vụ đã tồn tại và gắn với ký ức của người Hà Nội nhiều thập kỷ như phở mậu dịch, cắt tóc mậu dịch…Dẫu nay những dịch vụ ấy đã không còn, hoặc nếu có thì cũng chỉ tồn tại trong lay lắt…Nhưng tất cả vẫn nằm trong những ký ức đẹp của người Thủ đô, hoài niệm đẹp về một thời…xa vắng.

Thôi thì đành thuận theo qui luật của thị trường. Mà điện ảnh cũng không phải là một ngoại lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoài niệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO