Học sinh bị xáo trộn vì kế hoạch học tập liên tục thay đổi

Nguyễn Hoài 21/12/2021 14:14

Sau 2 tuần được đến trường học trực tiếp, học sinh lớp 9 và lớp 12 ở “vùng cam” trên địa bàn thành phố Hà Nội lại phải chuyển sang học trực tuyến do dịch bệnh. Học trực tiếp rồi lại trực tuyến ít nhiều làm ảnh hưởng tới tâm lý học sinh, nhất là thời điểm này, các kỳ thi quan trọng đang tới gần.

Đảo lộn vì Covid-19

Những ngày qua, TP Hà Nội liên tục đưa ra những văn bản thay đổi kế hoạch cho học sinh THCS, THPT đi học trở lại để phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Sau khi thành phố có 2 quận và 25 xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 3, Sở GDĐT Hà Nội đã đề nghị các trường học trên địa bàn “vùng cam” cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường học trực tiếp, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ ngày 20/12 cho đến khi có thông báo mới.

Học sinh Trường THPT Cầu Giấy trong ngày đầu được trở lại trường cách đây 2 tuần.

Trước đó, thành phố cho phép học sinh khối 9 tại các huyện, thị xã và học sinh khối 12 của các trường THPT trên địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 được trở lại trường học. Riêng học sinh khối 12, các em đến trường nhưng thực hiện theo phương án giãn cách, 50% số học sinh đến trường vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Số còn lại đến trường vào ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy.

Dù chỉ được học trực tiếp 50% các ngày trong tuần, còn lại học trực tuyến nhưng với em Nguyễn Quang Thắng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, đó là sự giải tỏa lớn sau bao ngày trường học đóng cửa, không được gặp thầy cô và bạn bè. Song, 2 hôm nay, Thắng lại tiếp tục học trực tuyến vì quận Đống Đa nâng cấp độ dịch, ở mức độ dịch cấp độ 3.

Thắng chia sẻ: “Học trực tuyến trong 2 năm học, chúng em đã quen dần. Thế nhưng những thay đổi liên tục, từ học trực tuyến sang trực tiếp rồi lại trực tuyến khiến chúng em bị xáo trộn thời gian. Em phải sắp xếp lại thời gian học tập sao cho hợp lý hơn”.

Học online trong suốt thời gian dài, nhiều học sinh cho biết, các em đã thích nghi với phương thức học tập này. Tuy nhiên, việc liên tục thay đổi phương thức học tập, ít nhiều cũng khiến tâm lý các em bị xáo trộn, nhất là học sinh cuối cấp.

Chị Nguyễn Phương Liên, phụ huynh học sinh Lê Thế Anh, lớp 12A1, Trường THPT Quang Trung – Đống Đa cho hay, lớp 12 là năm học đẹp nhất của con cũng như bao học sinh khác nên chị rất mong con được đến trường học trực tiếp.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, con trai chị Phương đã quen với việc học online. Dẫu vậy nhưng khi phương án mở cửa trường học thay đổi liên tục cũng khiến 2 mẹ con phải sắp xếp lại thời gian biểu và có kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho kỳ kiểm tra cuối học kỳ I sắp tới.

“Hai hôm nay, tôi động viên con để con yên tâm học tập. Có lúc thấy con căng thẳng vì học nhiều quá, tôi phải làm món nọ, món kia mà con thích để bồi dưỡng cho con. Dịch bệnh cũng không còn cách nào khác. Chúng ta phải dần khắc phục và thích nghi”, chị Phương cho biết.

Tránh tạo áp lực cho học sinh

Theo khung kế hoạch năm học, thời điểm này, các trường đang chuẩn bị cho việc kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, làm thế nào để vừa bảo đảm tiến độ năm học vừa bảo đảm an toàn cho học sinh là vấn đề đặt ra cho các nhà trường.

Về kế hoạch kiểm tra, đánh giá học kỳ I khối trung học, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy học thực tiễn của đơn vị; việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến đảm bảo đúng theo các quy định về kiểm tra, đánh giá của Bộ GDĐT.

Theo khung kế hoạch năm học, thời điểm này, các trường đang chuẩn bị cho việc kiểm tra học kỳ I năm học 2021-2022.

Tại Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ), nhà trường đã chuẩn bị phương án cho học sinh các khối thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến, riêng 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, học sinh sẽ thi theo đề thi chung của Phòng GDĐT quận Tây Hồ. Đối với học sinh lớp 9, các thầy cô trong trường đưa ra nhiều hình thức dạy học, ứng dụng nhiều phần mềm để dạy học và ôn tập cho học sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, bà Hoàng Thị Vân Anh, hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến thời điểm này, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều mong muốn sau khi học sinh tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19, các em sẽ được đến trường học trực tiếp, nhất là học sinh lớp 9.

Tuy nhiên, hiện nay học sinh mới chỉ được tiêm 1 mũi, trong khi đó dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo bà Vân Anh, trong điều kiện dịch bệnh, việc cho học sinh trở lại trường phải tuân thủ theo chỉ đạo của thành phố để đảm bảo an toàn tốt nhất cho học sinh.

Về phía nhà trường, bà Vân Anh cho biết, nhà trường đã có kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức khi học sinh được đi học trở lại. Trong đó, nhà trường dự kiến chia học sinh theo nhóm để kèm riêng đối với các học sinh học đuối, chưa nắm vững kiến thức trong quá trình học trực tuyến.

Để giải tỏa tâm lý cho học sinh, nhà trường mời các tiến sĩ tâm lý, tổ chức hoạt động ngoại khóa bằng hình thức livestream trên trang fangage của nhà trường.

Bà Vân Anh cũng khuyến nghị: “Thay vì đặt áp lực học tập, thi cử cho các con, phụ huynh nên động viên, chú trọng chăm sóc sức khỏe cho các con để các con ổn định tinh thần. Đồng thời, cho các con vận động bằng những bài tập thể dục nhẹ nhàng hằng ngày để giảm căng thẳng khi học nhiều giờ bên máy tính”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh bị xáo trộn vì kế hoạch học tập liên tục thay đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO