Học Sử để thêm yêu lịch sử nước nhà - Bài 3: Đổi mới cách tiếp cận, sẽ có phương pháp dạy phù hợp

Thu Hương 17/08/2022 09:22

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ khẳng định, khi điều chỉnh chương trình môn Lịch sử ở cấp THPT vẫn sẽ đảm bảo sử dụng được sách giáo khoa (SGK) lớp 10 đã biên soạn. Dự kiến, ngày 25/8, Bộ GDĐT sẽ ban hành nội dung giảng dạy cho 52 tiết Lịch sử bắt buộc ở cấp THPT.

Tập huấn chương trình môn Lịch sử, SGK lớp 10 tại Trường THPT Khoa học giáo dục (Hà Nội) tháng 7/2022.
Ảnh: TL

3 “giảm” khi điều chỉnh

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết 63 của Quốc hội, đưa môn Lịch sử trở thành vừa bắt buộc vừa có phần tự chọn dành cho học sinh (HS), Bộ GDĐT đã thực hiện điều chỉnh môn học trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể, từ việc điều chỉnh môn Lịch sử trong nhóm môn Khoa học xã hội tự chọn thành môn bắt buộc.

Nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo cơ bản giữ vững cấu trúc của chương trình, sao cho trong giai đoạn giáo dục phổ thông HS vẫn được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của mình. Thứ hai, khi điều chỉnh như vậy không làm tăng tải khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, đúng tinh thần là tinh giản chương trình để HS có cơ hội tốt cho việc phát triển phẩm chất và năng lực.

Khi điều chỉnh môn Lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc, Bộ đã điều chỉnh số tiết môn Lịch sử từ 70 tiết/năm học thành 52 tiết cho phù hợp với đối tượng HS đại trà. Thứ 2 là điều chỉnh từ 5 thành 4 môn tự chọn, không có quy định bắt buộc phải chia các nhóm môn như trước đây. Việc định hướng nghề nghiệp lúc này giao cho các nhà trường, căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường sao cho vừa đảm bảo nhu cầu học tập của HS, vừa đảm bảo được yêu cầu về đội ngũ giáo viên của nhà trường một cách hiệu quả. Vì vậy, các thầy cô không phải lo có môn nào lại không có nhiều HS chọn, điều này đã được quy định ngay trong chương trình tổng thể, trong Thông tư số 32.

“Với cách điều chỉnh như vậy, chúng ta sẽ có 3 giảm. Thứ nhất, giảm số môn lựa chọn từ 5 còn 4. Thứ 2, đối với chương trình môn Lịch sử phải giảm để đảm bảo cho giảng dạy đại trà. Thứ 3 là giảm tổng số tiết của HS lớp 10, tới đây là lớp 11 và 12. Trước đây trung bình là 29 tiết/tuần, hiện nay là 28,5 tiết/tuần” - ông Thành thông tin.

Chú trọng đặc biệt đến lịch sử Việt Nam

Liên quan tới việc điều chỉnh môn Lịch sử hiện nay, GS. TS Đỗ Thanh Bình - Tổng Chủ biên SGK môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều khẳng định, với cách điều chỉnh này chương trình tổng thể các môn học sẽ không ảnh hưởng, vẫn là 12 môn học với HS phổ thông.

Cụ thể, theo thiết kế đã được công bố trong chương trình GDPT mới, Lịch sử là môn tự chọn với 70 tiết/năm theo chủ đề cốt lõi và 35 tiết chuyên đề nghiêng về lựa chọn nghề nghiệp. Phần chủ đề cốt lõi này sẽ được đưa vào phần bắt buộc.

Tuy nhiên, để phù hợp với việc giảng dạy đại trà thay vì dành cho đối tượng HS có định hướng theo chuyên ngành Khoa học xã hội, Bộ GDĐT và các chuyên gia thống nhất tinh giản thành 52 tiết. Như vậy, tổng số tiết môn Lịch sử bắt buộc là 156 tiết/3 năm THPT, nhiều hơn so với 140 tiết/3 năm THPT của chương trình hiện hành.

Bên cạnh đó, những HS có định hướng theo học ngành xã hội nhân văn, ngoài 52 tiết đại trà sẽ cộng thêm 35 tiết chuyên đề sâu.

Khẳng định khi cắt giảm nội dung môn Lịch sử sẽ không ảnh hưởng đến tổng thể chương trình học, ông Bình cho biết thiết kế mới sẽ vẫn đảm bảo tính logic, tính hệ thống (có Lịch sử thế giới, Lịch sử khu vực, Lịch sử Việt Nam), đảm bảo tính liên thông (THCS học theo thông sử, còn THPT theo chủ đề, chuyên đề).

Một nguyên tắc nữa của cắt giảm là đảm bảo chương trình phù hợp với tâm lý lứa tuổi, trình độ nhận thức HS phổ thông cũng như vùng miền. “Chương trình sẽ chú trọng đến lịch sử dân tộc, lịch sử Việt Nam về cả nội dung và thời lượng” - ông Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến việc điều chỉnh thiết kế chương trình, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc xây dựng lại chương trình, thiết kế thành môn bắt buộc ở môn Lịch sử là nền tảng, cơ bản cho đại trà HS. Yêu cầu cần đặt ra là xây dựng phẩm chất nền tảng cho tất cả HS, không phải định hướng nghề nghiệp. Việc điều chỉnh bao gồm đã giảm những kiến thức hàn lâm, tăng tính truyền thống để HS thêm yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng Việt Nam. Bảo đảm được cấu trúc, tinh thần định hướng nghề nghiệp không thay đổi. HS có phần lựa chọn để định hướng nghề nghiệp tốt nhất.

Thay đổi từ giáo viên

Dự kiến sau khi chỉnh sửa chương trình môn Lịch sử sẽ tổ chức thẩm định lại, sau đó ban soạn thảo sẽ biên soạn tài liệu tập huấn và lịch trình tập huấn sẽ thực hiện từng bước. Dự kiến Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà. Về cơ bản, giáo viên đã được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết/năm, nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm (trong số 70 tiết/năm).

Lịch sử, Ngữ văn tham gia kiến tạo, xây dựng văn hóa con người trực tiếp và trực diện

Bộ GDĐT vừa tổ chức Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn: “Lịch sử là công cụ, chỗ dựa, phương tiện để tu dưỡng con người. Môn Lịch sử đem lại cho con người thế giới kinh nghiệm, tri thức về xã hội. Giáo dục Lịch sử là giáo dục cho trẻ em những trải nghiệm, chứ không chỉ là tri thức….”. Ông Sơn cho rằng, tiếp cận vấn đề như vậy sẽ tìm ra phương pháp dạy học phù hợp. Nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới ở tất cả các môn học, Bộ trưởng Bộ GDĐT đồng thời làm rõ vì sao một số môn như Ngữ văn, Lịch sử cần ráo riết đổi mới trước, các môn khác có thể làm sau. Đó là bởi môn học nào cũng đều tham gia kiến tạo con người nhưng Lịch sử, Ngữ văn tham gia vào kiến tạo con người, xây dựng văn hóa con người một cách trực tiếp và trực diện.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT, các giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy lớp 10 các môn học đã được tập huấn về chương trình, SGK thời gian qua. Bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, với môn Lịch sử, cuối tháng 7 vừa qua trường đã được GS. TS Phạm Hồng Tung - Tổng chủ biên môn Lịch sử chương trình GDPT mới 2018 về trao đổi, tập huấn chương trình môn Lịch sử, SGK lớp 10 và cách dạy học môn Lịch sử. “Tại buổi làm việc với chuyên gia, các thầy cô hiểu sâu hơn về mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; đồng thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học trên nguồn học liệu SGK mới; đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất HS” - bà Hương thông tin.

Với lực lượng giáo viên môn Lịch sử hiện có của các nhà trường, các chuyên gia tính toán sẽ vẫn đủ khả năng đảm bảo giảng dạy cả phần bắt buộc và tự chọn khi điều chỉnh. Tuy nhiên, để dạy và học môn Lịch sử hiệu quả theo chương trình GDPT mới, GS. TS Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, nếu không đổi mới và tiếp tục sử dụng phương pháp cũ "đọc - chép", giáo viên sẽ không thể dạy được vì SGK chỉ dạy trong khoảng 15 phút là sẽ không còn nội dung gì để mà đọc chép.

“Chương trình mới viết theo cách tiếp cận năng lực và phẩm chất, không tiếp cận nội dung như SGK chương trình 2006. Đây sẽ là một thay đổi lớn, một cuộc cách mạng khi chuyển từ dạy tiếp cận nội dung sang dạy tiếp cận năng lực”- GS Bình nhấn mạnh.

(còn nữa)

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GDĐT:

Lắng nghe, quan sát và luôn luôn đồng hành

Chương trình, SGK mới đã có. Trong quá trình triển khai, thực tế đa dạng như vậy chắc chắn sẽ có những vấn đề phát sinh, sẽ có những khó khăn… Bộ GDĐT sẽ luôn luôn lắng nghe ý kiến từ các bậc phụ huynh, HS và đặc biệt quan sát sự triển khai trong nhà trường để từ đó luôn luôn có những điều chỉnh một cách phù hợp.

Ở đây là điều chỉnh cách làm, cách thức thực hiện chứ không phải điều chỉnh chương trình nên phụ huynh không nên quá lo lắng về vấn đề này. Đích hướng tới để các thầy cô giáo, phụ huynh và HS dần dần nhận thức rõ hơn việc tổ chức dạy học theo chương trình, để đáp ứng mục tiêu của chương trình, không phải ghi nhớ kiến thức máy móc mà là phát triển phẩm chất năng lực người học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học Sử để thêm yêu lịch sử nước nhà - Bài 3: Đổi mới cách tiếp cận, sẽ có phương pháp dạy phù hợp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO