Hồn của đá

Ngọc Hà - Quang Vinh 11/02/2021 09:00

Ai đã đến vùng cao Hà Giang, nơi biên cương Tổ quốc, hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh  vô cùng độc đáo của những hàng rào đá bao quanh những ngôi nhà trình tường. Người ta nói rằng, nhà trình tường (nhà đất), hàng rào đá và những cây đào, cây mận trồng trong sân nhà đã làm nên một phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị.

Trong đó, hàng rào đá giữ vị trí quan trọng, nó không chỉ là để che chắn mà còn được coi là cách để trang trí cho ngôi nhà.

Nhiều người từng đặt câu hỏi: Không biết hàng rào đá xuất hiện từ khi nào hoặc người Mông ở Mèo Vạc, Đồng Văn học cách làm từ đâu? Chỉ biết rằng bất cứ ai sinh ra ở cao nguyên đá này khi lập gia đình, ở riêng thì việc đầu tiên sau khi dựng nhà là làm rào đá.

Nơi đây bốn bề đều là đá, khiến những hòn đá trở nên thân thương, gắn bó với cuộc sống của bà con. Những hòn đá vô tri vô giác nhưng qua bàn tay khéo léo của con người, đá đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Trên những con đường men theo sườn núi ở Cao nguyên đá Đồng Văn, những ngôi nhà có màu nâu vàng của tường đất nổi bật giữa những hàng rào đá xám, tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí mà cũng gần gũi một cách lạ lùng.

Trong cấu trúc nhà truyền thống của người Mông nơi đây, chủ nhân các ngôi nhà thường xếp đá làm hàng rào. Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200 – 300 m2, gia chủ cùng với người thân phải mất nhiều tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ về, xếp lại. Những viên đá có kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo ra bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào.

Bà con ở đây nói rằng, đồng bào Mông mình xếp hàng rào đá rộng như vậy để bảo vệ ngôi nhà. Vào mùa nắng không nóng, còn mùa lạnh thì bớt rét. Mà các tường đá nó cũng che được gió.

Bây giờ, xin được “hỏi - đáp” về những hàng rào đá độc nhất vô nhị đó.

-Hỏi: Họ xếp đá như thế nào?

-Đáp: Người dân chọn những viên đá có góc cạnh, đặt cạnh nhau thật vừa vặn để những viên đá tự bám vào nhau vững chắc.

-Hỏi: Làm trong bao lâu thì xong một hàng rào như vậy?

-Đáp: Có khi vài tháng, cũng có khi đến cả năm trời.

-Hỏi: Hẳn ở đây có những người thợ đá?

-Đáp: Ở đây ai cũng là thợ đá cả. Trên Cao nguyên đá Đồng Văn, mở mắt là thấy đá, người ta phải tìm mọi cách để chinh phục đá. Đá trở thành một phần trong cuộc sống của người dân. Họ phá đá để tạo thành lối đi, xếp hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà; họ cày trên những cánh đồng đá và trồng ngô trong hốc đá...

Thường thì một hàng rào đá cao chừng 1,5 mét. Những viên đá được xếp to ở phần chân hàng rào và nhỏ dần về phía trên. Không cần xi măng, không có bất cứ vật liệu kết dính nào mà chỉ lựa những góc cạnh của các viên đá rồi xếp chúng lại với nhau.

Trong các gia đình người Mông ở Đồng Văn, khi con trai gần 10 tuổi là người cha đã dạy con cách chọn đá, xếp đá. Người ta nói rằng, đã là con trai Mông thì phải biết làm hàng rào đá và phải biết thổi khèn.

Những hàng rào đá khuôn lại một ngôi nhà nhưng lại mở ra một không gian văn hóa mênh mông: văn hóa đồng bào Mông, những người sống trong vùng núi đá điệp trùng. Nơi mà những giá trị như thể trái ngược nhưng lại hòa quyện, thống nhất.

Đó là bên những khối đá thâm u lặng lẽ lại là những luống hoa cải nở vàng chói lọi, những vạt hoa tam giác mạch mong manh phớt hồng và những cánh hoa đào núi tinh khôi như những đốm lửa cháy lên trong màn sương núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồn của đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO