Hướng đến phát triển bền vững: Doanh nghiệp chỉ sinh lời

Minh Phương 12/12/2019 06:40

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững không làm tăng chi phí của DN, mà ngược lại làm tăng gấp đôi lợi nhuận khi doanh nghiệp thân thiện với môi trường và kéo được người tiêu dùng đến gần mình hơn.

Hướng đến phát triển bền vững: Doanh nghiệp chỉ sinh lời

Nhiều doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Nhận định này được giới chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh”, tổ chức sáng 11/12/2019 tại Hà Nội.

Ưu tiên phát triển bền vững

2018 là năm thành công của kinh tế Việt Nam, sau nhiều năm đã quay trở lại tăng trưởng nhanh với tốc độ GDP đạt mức 7%, cho thấy sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng DN tăng nhanh, đạt mức kỷ lục trên 131 ngàn DN thành lập với số vốn trên 1,4 triệu tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm 2019 cho thấy, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế, thương mại thế giới tăng trưởng chậm, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng, biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Chính vì vậy, chất lượng cải thiện tăng trưởng kinh tế còn chậm, chưa thực sự bền vững. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Để vượt qua được những thách thức đó, theo các chuyên gia kinh tế, các DN Việt cần phải nâng sức cạnh tranh. Và một trong những yếu tố quan trọng là phải đổi mới toàn diện, phát triển bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng. DN phải hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận song hành cùng việc đảm bảo đóng góp giá trị với xã hội.

“Ngay bây giờ, ngay lúc này, không phải là lựa chọn đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, mà thay vào đó, DN buộc phải vận hành theo hướng nâng sức cạnh tranh, phát triển bền vững. Bởi chỉ khi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, DN mới có thể tồn tại được trong bối cảnh hội nhập hiện nay” - ông Bjorn Savlid, Trưởng Đại diện cơ quan Đầu tư Thương mại Thuỵ Điển nhấn mạnh.

DN chỉ sinh lời, không thêm chi phí

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc gia mình, ông Bjorn Savlid cho biết, nhiều DN ở Thuỵ Điển đã lấy mục tiêu phát triển bền vững làm phương châm cho chiến lược kinh doanh của mình. Thay đổi tư duy kinh doanh truyền thống sang kinh doanh phi truyền thống sẽ giúp DN bắt kịp thời cơ mới, diện mạo mới, đặc biệt là nắm bắt thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Bjorn Savlid nêu ví dụ, nghiên cứu của Đại học Havart đã chứng minh được rằng những công ty đầu tư cho phát triển bền vững thì tăng trưởng lợi nhuận lên gấp đôi. Những mô hình DN chú trọng phát triển bền vững không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mà còn hấp dẫn người tiêu dùng do các sản phẩm DN đưa đến đều thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng.

“Thuỵ Điển đã giảm thiểu khí thải gắn với sản xuất xanh khi các DN thực hiện mục tiêu này” - vị chuyên gia nhấn mạnh. Tetra Park, một Tập đoàn của Thuỵ Điển đã thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách thiết kế lại sản phẩm của mình hoàn toàn bằng các nguyên liệu thân thiện môi trường. Theo đó, Công ty này cung cấp ra sản phẩm bao bì đồ uống nước trái cây có thể tiêu huỷ hoàn toàn sau khi thải ra môi trường và đã nhận được sự ưu ái của người tiêu dùng. “Hướng đến phát triển bền vững không khiến chi phí cao hơn mà ngược lại mang lại lợi nhuận cao hơn, lợi ích lớn hơn cho cộng đồng, cho xã hội” - ông Bjorn Savlid nói.

Theo ông, không chỉ các DN lớn mà các DN nhỏ và vừa của Thuỵ Điển cũng rất chú trọng mục tiêu phát triển bền vững, coi đây là “kim chỉ nam” trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình. Phát triển bền vững là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.

Nêu lên quan điểm của mình, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững của Việt Nam cho rằng, hội nhập kinh tế ép chúng ta phải thay đổi. Trước đây nói về phát triển bền vững, chúng ta chủ yếu nói về môi trường nhưng nay khái niệm này bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội... Theo ông Vinh, mỗi năm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tạo ra 12 ngàn tỷ đô cho DN. Bên cạnh đó, tạo ra hàng ngàn mô hình kinh doanh mới, hàng triệu triệu việc làm mới. “Đó rõ ràng là sinh lời cho DN, đâu phải là phát sinh thêm chi phí” - ông Vinh nêu quan điểm.

Kinh doanh theo kiểu truyền thống sẽ dần trở nên lạc hậu. Thay vào đó, là kinh tế nền tảng, kinh tế tuần hoàn, là những ý tưởng đổi mới sáng tạo của DN gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, triển khai như thế nào, rõ ràng phát triển bền vững được nhắc đến nhiều nhưng thực thi nó vẫn chưa được bao nhiêu. Ông Vinh cho rằng, cần có sự đồng bộ bao gồm cả chính sách cơ chế của nhà quản lý, song hành là tư duy đổi mới với những ý tưởng đột phá của cộng đồng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đến phát triển bền vững: Doanh nghiệp chỉ sinh lời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO