Hương nắng

Hoa Nguyễn 11/06/2021 14:00

Ta đợi mùa sang, đợi nắng lên để được đón nhận nguồn dương khí dồi dào, lấp lánh lẫn hương hoa, hương lá cành.

Có người bảo:

- Ôi dào! Đừng nói quá, nắng làm gì có hương, hương thơm ấy là từ hoa trái chứ...

- Không, nắng thơm hương, nhất là nắng mới đầu mùa hạ. Nghiêng đầu là thấy hương nắng trên vai áo mình đang mặc đấy thôi.

- Ừ đúng thật, bận quá mà thành vô tâm, vô tình với nắng, quên khuấy mất mùi hương thoáng qua mà luôn để nhớ này.

- Đám trung niên là chúa “hong nắng’’ tất thảy đồ đạc trong nhà sau mùa xuân ẩm.

Ta đợi mùa sang, đợi nắng lên để được đón nhận nguồn dương khí dồi dào, lấp lánh lẫn hương hoa, hương lá cành. Ta nheo mắt nhìn nắng mới, nhen lên niềm hứng khởi, sẵn sàng tiếp tục hành trình, có khi trĩu nặng bởi những thứ trên vai. Bao lần định bỏ lại nhưng rồi không dứt được lại gói ghém mang theo. Cũng vẫn biết, thật lâu sau ta cũng không dám giở ra, sợ rằng lại khóc. Nắng tưng bừng, khiến ta mạnh mẽ, dứt khoát hơn nhiều. Nắng mới làm tan biến những ám ảnh đã từng bủa vây ta. Soạn sửa hành trang, nhất định chỉ đem theo những thứ ta cần. Ta bước trong nắng, bóng hình đẹp xinh như chủ nhân, những nỗi buồn khô quắt nhẹ tênh, gió cuốn đi phương nào không rõ, dẫu nó đã từng có vị trí, đã từng ngự trị trong ta, giờ có chăng chỉ còn là vết sẹo kỉ niệm, khó có thể làm ta đau được nữa.

Hương nắng là mùi thơm thường được cảm nhận, có cơn gió khéo mời đôi khi khiến ta muốn bay lên như thủa nhỏ từng mơ. Ta thấy mình tươi tắn và thơm tho như nắng, ta khe khẽ ước ao con người sẽ đẹp xinh như hoa suốt bốn mùa, trọn đời không có buồn đau. E là khó! Nhưng trong nắng, trong sự thanh sạch tinh khiết ánh vàng này, sao lại không ao ước những điều đẹp như thế. Biết đâu mọi sự đã qua, chặng này, thậm chí kiếp sau cũng chẳng còn phải gặp những điều ấy, người ấy và cả những người như thế.

Từ trên cao nắng tràn xuống mặt đất ồn ào đến chóng mặt, như thể suốt mùa qua mưa bụi và sương ẩm đã khiến con người ta quen những dịu dàng phủ bụi trên tóc, trên áo. Gió về trước, xua mây, rồi nắng về đôi buổi nhàn nhạt, sau nắng mới bừng lên mọi nẻo thơm. Ấy thế mà, nhiều người nhăn nhó bảo rằng nắng mới khiến người mệt. Người lại bảo do “tiếc nắng’’ nên giặt rũ phơi phóng rõ nhiều đâm ra mệt chứ đâu phải nắng. Đến lạ, nắng của giời, thế cơ mà lại tiếc. Sẽ có cả một mùa hè đằng đẵng ngay sau đó, có khi hoa bạc màu, lá non héo rũ thế mà lại đi tiếc nắng mới bao giờ. Nhưng học nhau, hay tự thân mà cứ đến tầm trung niên phụ nữ thường hay “tiếc của giời’’ như thế. Người lại bảo sao không vô tư mãi như trước có phải trẻ lâu hơn không? Biết tiếc thế này nghĩa là đã “chín’’, đã “già’’. Già như cái hạt chắc, phơi khô kiệt, đợi mùa gieo trồng lại hồi sinh trong diện mạo mới chứ sao? Vơi rồi lại đầy, giời đất muôn thủa chẳng bao giờ vô tâm với người có ý, có tình là thế.

Lại nói thêm, chị em tiếc nắng của giời là vì, tháng 3 rét nàng Bân cũng chỉ bay qua nóc nhà chứ không mấy khi se sắt. Những ngày nồm ẩm khiến cái áo, cái chăn phơi không được nỏ, có bữa phải đem giặt lại. Chỉ có khi nắng mới lên thì những sống áo, chăn màn, khăn mũ giặt phơi mới ‘’được nắng’’. Áo phơi giữa giời, nắng phủ, gió bay - bao giờ cũng phải nhớ cặp không lại rơi lấm hết – đến khi rút áo, thu đồ vào thấy rõ thơm mùi nắng, cái mùi thơm tho bấy nay không đậu trên khăn áo làm ta nhớ thế. Nay ôm mùi hương ấy trong tay cứ phải cúi xuống hay vùi mặt vào hít hít cho sướng, cho đã, như thể gặp lại những thân thương xa cách suốt mùa qua.

Nắng mới thơm, lá hoa cũng đưa hương. Cây cao ngút mắt, hương hoa không chỉ thơm trên ấy mà theo nắng, theo hoa rụng thơm suốt mặt đất, hoa tản ra trên mặt đường vui nốt chặng cuối của một kiếp hoa - chắc hẳn mùa sau mới trở lại. Người bán hoa trên phố đã sợ nắng héo hoa luôn tay phun nước lên những bó hồng, bó cúc, màu trắng lại vàng, tím và đỏ. Tóc con gái bay bay, hoa nắng đậu trên ngực, đám con trai sợ có người phát hiện ra ánh mắt đường đột, vội vã lảng đi, như chưa từng thấy đẹp. Có thế thôi mà với khối chàng trai mới lớn điều này như dấu mốc nhắc rằng đã lớn, có một chàng trai đã thay thế một cậu bé trong vóc dáng này, chẳng mấy mà xao xuyến và nói lời yêu đầu tiên.

Theo con đường thiên lý, theo những ngả đường cái quan về làng trong cái nắng tháng 5, nắng đã trải vàng đồng cho lúa uốn câu, những chân ruộng cấy sớm lúa đã đỏ đầu chờ gặt. Nắng gió đưa hương lúa thơm nồng, dăm ngày nắng gắt mà chân ruộng đã khác, lúa màu xanh ngả sang vàng nhanh như có người tô vẽ. Những cánh đồng lúa đẹp nhất thường vào những ngày này, thảm lúa vàng thơm, sóng lúa lao xao. Gió là kẻ lãng du, còn nắng lại đầy đủ sự ấm áp, chu đáo. Nắng không bỏ sót khóm lúa nào cả, bông cao, bông thấp đều được nắng phủ để chín vàng. Mỗi ngày mặt trời ló rạng là nắng mải miết giăng mắc khắp cánh đồng cho đúng hẹn mùa gặt tháng 5 – đúng hẹn cơm gạo mới.

Nếu chẳng may có cơn mưa lạc đến đây xối xả suốt đêm ngày, lúa ngập qua gốc rạ, lúa ngập đến bông, ngập trắng đồng thì sao? Thì nghiêng đồng đổ nước ra sông chứ sao. Lúa cũng như người, can đảm trước mọi gió giông. Phải cứu lúa, không làng sẽ đói, sẽ có gạo mới, dẫu có chậm một đôi phiên chợ chứ nhất định không thể mất trắng được.

Nước rút, người mệt lả, nắng rát sau mưa, chân ruộng ngập bốc hơi ngùn ngụt, lúa chín trong những toan lo thấp thỏm của chủ nhân. Nắng mải miết hong tất thảy những chân ruộng khô cong. Người đi gặt rẽ lúa soàn soạt chứ không phải lội bì bõm mà cắt hớt phần bông. Lúa gặt xong mà khô như phơi được một nắng, mồ hôi ướt áo, cơ mà vui. Cả làng ai cũng thở phào nhẹ nhõm, mong giời để gặt trọn vẹn không mắc chân ruộng nào bị gió giông quật rụng hạt, đổ thân.

Nắng về làng, gặp những lũy tre cao vút, gặp những cổ thụ tán xòe, người làng ngồi hóng gió nói chuyện mùa màng không ngớt. Lúa cũng vẫn kìn kìn từ đồng về làng, người thồ, người đẩy, những công nông tằng tằng chất lúa cao ngất, người lái áo và khăn bông vắt vai đều ướt đẫm. Nhiều người đi ngược chiều sợ “ông’’ này nép vào rặng để xe đi qua mới dám bước tiếp. Mùi dầu máy, mùi khói cũng theo tiếng ồn đi về phía ngõ ấy, trả lại mùi lúa, mùi rơm mới tung thơm ngái trong nắng. Sân sướng hẹp, thóc phơi sân nhà, sân đình chưa đủ, nhiều nhà quét ngõ để phơi, còn rơm thì phơi cả lên tường, lên rặng ô rô, cúc tần bên đường. Vào mùa ai cũng mong nắng, phải có nắng, thóc phơi nỏ, để nguội, đóng bao, đóng cót, rơm đánh lên đống thì mới yên tâm được.

Mặt trời xuống thấp dần, những xe lúa cuối cũng đã về đến làng, rơm níu bánh xe thồ, rơm quấn bước chân người đẩy xe, rõ là thấy nặng hơn những chuyến sớm. Công nhận mùa gặt nắng nóng vừa việc đồng, vừa việc nhà, lại phơi phóng nên thật mất sức. Đàn bà con gái còn bịt kín mặt, đàn ông con trai thường xuề xòa chỉ mặc bộ quần áo lao động, đội cái mũ cối, suốt mùa gặt trài trãi cả một hai mẫu ruộng nên ai cũng đen cháy, từ gương mặt cho đến cánh tay. Lúa về đến nhà là ra giếng khơi múc nước vã lên mặt, rửa tay qua loa rồi phải làm ngay gáo nước mưa uống cho hạ nhiệt. Nước uống đến đâu, người khoan khoái đến đấy, gáo nước thừa hắt ra cạnh bể trên nền trị xi măng khô ngay.

Nhá nhen tối, trên đường làng đôi người vẫn gẩy rơm về đống để mai phơi tiếp. Tiếng ai đó gọi con về ăn cơm tối ời ời, vừa gọi vừa trách con mải chơi không biết đường mà về cơm nước.

Trăng treo trên ngọn tre, thóc lúa, rơm rạ đầy nhà, đầy sân, tối vướng có khi còn chẳng đóng được cửa, giờ bước đi là phải tránh không lại vấp hoặc quàng vào thứ nọ thứ kia. Bừa thế là vì phần gặt việc nhiều dọn không xuể, phần lại vì mọi thứ sẵn sàng để mai dậy, cơm nước xong là đi gặt ngay cho mát, chứ nắng tháng 5 này đứng bóng còn phơi ngoài đồng thì không sức nào trụ nổi.

Đôi người trước khi mắc màn đi ngủ còn ngó trông giời qua cửa sổ, trăng sáng, trời trong thế này mai lại là ngày được nắng đây. Đúng là giời thương.

Lại có nhà đi gặt sớm, gặt xong cả sào lúa ra nghỉ tay, ăn sáng ở quán nghênh hương mặt trời mới nhô lên đỏ ối phía chân trời.

Những gánh lúa rung rinh theo bước chân người trong nắng tháng 5 thơm nức, niềm vui cấy trồng, thu hoạch bao giờ cũng bền lâu, phải chăng trong ánh nắng mặt trời cả cây và đất đều hiểu tâm tình người gắn bó với cấy trồng, mùa vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hương nắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO