Ì ạch “giải cứu” kênh, rạch

ĐOÀN XÁ 12/09/2022 09:00

Từng nhận được nhiều kỳ vọng và có thể thay đổi bộ mặt đô thị nhưng quá trình cải tạo, chỉnh trang hay thậm chí nạo vét các kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua rất chậm chạp. Nhiều kênh rạch ở TPHCM ô nhiễm, bồi đắp gây ngập cục bộ vào mùa mưa.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát có vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa khởi công.

Số dự án cải tạo kênh rạch thực hiện hoàn thành chỉ đếm trên đầu ngón tay và ngược lại, các dự án đang nằm trên giấy lại gấp hàng chục lần. Thống kê cho thấy hiện có tới 25 dự án cải tạo các tuyến kênh rạch quan trọng ở TPHCM đang thiếu vốn. Trong đó có những dự án được lên kế hoạch từ 20 năm trước nhưng đến nay chưa có chuyển biến gì. Đó là các dự án như rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, kênh Hy Vọng, kênh Tham Lương-Bến Cát, kênh Tàu Hũ.... Trong đó các dự án như cải tạo rạch Xuyên Tâm (qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp) có nguồn vốn tới gần 9.400 tỷ đồng, dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát hơn 8.100 tỷ đồng, dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) có nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng... là những dự án trọng điểm, có nguồn vốn lớn.

Theo dự kiến, TPHCM sẽ chuẩn bị khởi công một số dự án kể trên trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, sau khi được phê duyệt chủ trương, Ban sẽ tiến hành khởi công một số dự án cải tạo kênh, rạch ở thành phố, trong đó ưu tiên dự án kênh Tham Lương-Bến Cát, rạch Nước Lên. Ông Dũng cho biết, thiết kế của 2 dự án trên gồm 2 bên bờ kênh dài 33km được xây dựng đường từ 8-12m, vỉa hè rộng từ 2,5 đến 3m cùng cầu dọc tuyến dự kiến khi hoàn thành sẽ thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000ha. Đặc biệt, nhiệm vụ lớn nhất của dự án là giải tiêu, thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm và khu vực phía Tây Bắc thành phố. Khi hoàn thành, dự án tạo sự đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án thoát nước đã và đang triển khai thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, thực tế dự án đã được lên kế hoạch từ nhiều năm và chắc chắn, để hoàn thành cũng cần nhiều năm nữa.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm cũng từng nhận được nhiều kỳ vọng nhưng 15 năm qua chưa có thay đổi nhiều. Khác với dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát đã có gần đủ mặt bằng để thi công thì vấn đề nan giải là hàng nghìn hộ dân sinh sống, xây dựng nhà tạm ven rạch Xuyên Tâm hiện nay. Việc di dời nhà tạm này đang gặp khó khăn do khu vực này là trung tâm thành phố, người dân không chịu nhận tiền đền bù ít ỏi (xây dựng trái phép trên kênh rạch) và bám trụ để sinh sống. Tình trạng rạch Xuyên Tâm cũng như nhiều kênh, rạch khác ở TPHCM là hàng nghìn căn nhà dựng lên trái phép nhưng khó giải tỏa.

Ngoài những dự án lớn có nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng đang gặp khó như trên, các dự án cải tạo kênh, rạch có quy mô nhỏ ở TPHCM cũng gặp nhiều khó khăn. Việc nạo vét, tạo tuyến lưu thông nước thải tự nhiên và môi trường đang là vấn đề nhức nhối của nhiều kênh, rạch do mật độ cư dân cao, ý thức bảo vệ kênh, rạch kém và thường xuyên lấn chiếm, xả thải. Khác với hành lang đường bộ có thể dễ dàng kiểm soát cột mốc, vị trí thì phía kênh, rạch khó kiểm soát hơn, việc lấn chiếm diễn ra từ nhiều năm trước. Đó cũng là lý do việc cải tạo kênh rạch có nguồn vốn lớn nhưng khó đền bù, giải tỏa.

Theo một chuyên gia về hạ tầng giao thông, tiến độ thực hiện các dự án cải tạo kênh, rạch thường lâu hơn các dự án hạ tầng đô thị khác có nguyên nhân là việc khó thu hút đầu tư tư nhân. Theo đó, các dự án này thường bắt buộc sử dụng ngân sách nhà nước hoặc vốn vay nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước không mặn mà với dự án cải tạo kênh, rạch do không thể thu hồi nguồn vốn bằng cách thu phí trong khi việc thanh toán bằng quỹ đất hoàn thành dự án không khả thi. Tuy nhiên, nguồn ngân sách thực hiện các dự án hạ tầng như cầu đường thường ưu tiên hơn vì cấp bách hơn.

Nhiều năm qua, các dự án cải tạo kênh, rạch ở TPHCM thường rất chậm, gặp nhiều khó khăn. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đô thị nói chung cũng như môi trường sống của người dân ven kênh, rạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ì ạch “giải cứu” kênh, rạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO