Iraq cảnh báo 'chiến tranh khu vực' nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân

05/10/2016 19:14

Tức giận trước quyết định tiếp tục mở rộng các vị trí triển khai bộ binh của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq, cách thành phố Mosul 30 km, giới chính trị gia Iraq đồng loạt kêu gọi chính phủ xem xét lại mối quan hệ với Ankara và đưa vụ việc bị coi là “chiếm đóng” này lên Hội đồng Bảo an LHQ.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện duy trì 150 binh sỹ và 25 xe tăng trên lãnh thổ Iraq. (Nguồn: Sputnik).

Trong ngày 5/10, đại đa số các nhà lập pháp Iraq đã công khai phản đối quyết định mà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua trong đó cho phép duy trì sự hiện diện của khoảng 150 binh sỹ nước này cùng 25 xe tăng tại trại quân sự Basheeqa ở tỉnh Nineveh thuộc miền Bắc Iraq, tại một mặt trận đang có cuộc chiến chống lại tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong một tuyên bố viết tay, các nhà lập pháp này đã lên án quyết định trên đồng thời kêu gọi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để đưa ra phản ứng về sự việc và đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ để chính thức coi số lượng binh sỹ nói trên là một lực lượng “chiếm đóng” lãnh thổ của họ, theo hãng thông tấn Rudaw của Iraq.

Trước đó, trong hôm thứ Bảy tuần trước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã “bật đèn xanh” cho việc tiếp tục hiện diện quân sự của nước này ở cả Iraq và Syria.

Kể từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức huấn luyện và hỗ trợ cho các đơn vị chiến binh người Kurd và dân quân người Hồi giáo dòng Sunni, còn có tên lực lượng Hash al-Watani, tại trại quân sự này dưới sự cho phép của chính phủ Iraq. Tuy nhiên, đến ngày 4/12 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng cường hiện diện quân sự tại trại với lý do đưa ra là bảo vệ các cố vấn của họ.

Động thái này đã khiến chính quyền Baghdad hết sức giận dữ. Họ khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề tham vấn họ và cũng chưa từng xin phép chính phủ Iraq để triển khai thêm binh sỹ, bởi vậy có thể coi đây là hành động vi phạm chủ quyền.

Lúc bấy giờ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chối bỏ sự việc, cho rằng ông không hay biết về việc này, đồng thời tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuân thủ thỏa thuận trước đó với phía Iraq.

“Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại trại Basheeqa là do yêu cầu của ông Haider al-Abadi đưa ra hồi năm 2014. Giờ tôi đang tự hỏi tại sao ông ấy lại im hơi lặng tiếng kể từ năm 2014” - ông Erdogan từng nói hồi tháng 12 năm ngoái, bác bỏ lại cáo buộc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang can thiệp quân sự vào Iraq.

Nguy cơ xung đột

Phát biểu ngay sau khi nhận được lời kêu gọi từ giới lập pháp trong nước, trong ngày 5/10, ông Abadi đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ lập tức rút hết binh sỹ khỏi lãnh thổ của họ, nói rằng: “Lời biện hộ của Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện của họ bên trong lãnh thổ của Iraq là không hợp lý”.

Thủ tướng Iraq nói trước báo giới rằng nước này đã liên tục cố gắng thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, cũng như liên minh mà Mỹ dẫn đầu, để loại bỏ sự hiện diện của binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi lãnh thổ của họ.

Trong khi Iraq không hề muốn bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, họ vẫn cảm thấy hành động của chính quyền Ankara là “không thể chấp nhận được” dù là xét theo tiêu chuẩn nào đi chăng nữa, theo ông Haider.

“Chúng tôi đã yêu cầu phía Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn một lần rằng không nên can thiệp vào các vấn đề của Iraq và tôi lo sợ rằng hành động liều lĩnh của Thổ Nhĩ Kỳ có thể biến thành một cuộc chiến khu vực” - ông Haider cảnh báo trên kênh truyền hình quốc gia hôm 5/10.

Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus trong khi đó nhấn mạnh rằng sự hiện diện quân sự của họ ở trại Basheeqa chỉ nhằm much đích làm ổn định tình hình và huấn luyện các lực lượng địa phương, và rằng Ankara không có mục đích trở thành một lực lượng chiếm đóng.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép điều này trở thành một vấn đề tranh luận” - Reuters dẫn lời ông Kurtulmus nói.

Tình hình căng thẳng đến mức cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đều triệu tập Đại sứ của mỗi bên trong hôm 5/10 để thảo luận về bất đồng căng thẳng giữa hai nhà nước.

Được biết, hồi tháng 12 năm ngoái, Iraq cũng từng kêu gọi NATO gây sức ép cho Thổ Nhĩ Kỳ để họ rút quân khỏi lãnh thổ nước này, tuy nhiên khối đồng minh sau đó kết luận rằng Ankara đã tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận huấn luyện ký kết giữa hai bên.

Thành phố lớn nhất Iraq, Mosul, đã rơi vào tay IS trong năm 2014, và lực lượng quân sự nước này hiện đang chuẩn bị cho chiến dịch tấn công nhằm tái chiến lại thành trì của khủng bố này với sự hỗ trợ của liên minh mà Mỹ dẫn đầu. Nếu chiến dịch thành công, Iraq muốn “đảm bảo rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không lợi dụng khoảng trống quyền lực đó”, Thủ tướng Iraq nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Iraq cảnh báo 'chiến tranh khu vực' nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO