Iraq tố Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ dầu 'bẩn'

Khánh Duy 09/12/2015 08:15

Giữa lúc quan hệ Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng sau khi chính quyền Ankara đưa quân vào lãnh thổ nước này, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã lên tiếng cáo buộc nước láng giềng là tuyến đường vận chuyển “phần lớn” lượng dầu bẩn của những kẻ khủng bố.

Iraq tố Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ dầu 'bẩn'

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết
sẽ đệ trình hành động của Thổ Nhĩ Kỳ lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong một phiên họp với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 7-12, ông Abadi đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cắt đứt nguồn dầu mỏ buôn lậu từ các vùng mà phiến quân đang chiếm đóng ở Iraq và Syria. Thủ tướng Iraq cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đất nước ông chống lại phiến quân IS.

“Thổ Nhĩ Kỳ là nước láng giềng của Iraq, và vì vậy nên là một nước thân thiện với Iraq. Họ từng hứa hẹn rằng sẽ chặn đứng lối vào của những kẻ khủng bố, tuy nhiên chúng tôi cần thêm hành động nhằm ngừng dòng chảy những kẻ khủng bố từ Thổ Nhĩ Kỳ đi vào Syria và Iraq” - ông al-Abadi nói.

Ông al-Abadi nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã biết được vấn đề buôn lậu dầu bẩn của IS qua nước này và từng cam kết sẽ giải quyết nó, theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua hồi tháng trước, trong đó kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia chống lại mối đe dọa từ IS.
Theo ước tính mới đây nhất, hơn 43% thu nhập của tổ chức phiến quân IS đến từ việc bán dầu trái phép. Bộ Quốc phòng Nga cho hay, họ đã thu thập được các thông tin trên trong khi đang thực hiện các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria, và cho biết hầu hết lượng dầu trái phép này đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghi án Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu dầu “bẩn” của IS ngày càng trở nên nóng bỏng hơn kể từ sau vụ máy bay Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên vùng trời Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi hành động này là “đâm lén sau lưng” và cáo buộc Ankara có liên quan tới tiêu thụ dầu bẩn của IS.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - nằm trong liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu - vẫn tiếp tục hành động đơn phương trong khu vực. Hôm thứ Năm tuần trước, Ankara đã triển khai hơn 100 binh sỹ cùng nhiều xe tăng, pháo kích tới Iraq, gần thành phố Mosul đang bị IS chiếm đóng. Chính quyền Baghdad đã gọi hành động này là vi phạm chủ quyền Iraq, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định rằng binh sỹ của họ đang làm nhiệm vụ quốc tế là huấn luyện và trang bị cho lực lượng của Iraq chống IS.

Tuy nhiên, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Đức, ông al-Abadi một lần nữa nhắc lại rằng, việc các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đi vào lãnh thổ Iraq là điều “không thể chấp nhận” và diễn ra trong khi “không thông báo và không được phép của chính phủ Iraq”. Trước đó, hôm Chủ nhật tuần trước, Baghdad đã gia hạn cho chính quyền Ankara thời hạn chót 48 giờ đồng hồ để rút toàn bộ binh sỹ khỏi Iraq.

Trước tình hình đó, Nga cho biết đã sẵn sàng đệ trình vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari hôm 8-12 tìm cách xoa dịu tình hình sau khi nói rằng Iraq chỉ muốn Thổ Nhĩ Kỳ rút toàn bộ binh sỹ trong đợt triển khai mới đây do chưa hỏi ý kiến chính quyền Baghdad, chứ không phải những binh sỹ đang thực sự hỗ trợ lực lượng của họ chống IS.

“Yêu cầu của Iraq chỉ liên quan tới việc vi phạm do sự hiện diện của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ mà không có sự hợp tác với Iraq” - ông Jaafari nói sau cuộc họp với người đồng cấp Đức.

Tuy nhiên, cùng ngày, hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng Ankara dường như không có ý định sẽ rút quân về nước: “Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục duy trì binh sỹ ở đó. Điều này còn tùy thuộc vào các cuộc thảo luận”.

Hôm 6/12, trong một bức thư mà Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gửi cho ông Abadi, ông này cam kết rằng lực lượng vũ trang của họ sẽ không triển khai thêm binh sỹ đến Iraq cho đến khi căng thẳng hiện tại lắng xuống. “Sẽ không có thêm lực lượng nào được triển khai cho đến khi quan ngại của chính phủ Iraq được xua tan”; ông Davutoglu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Iraq tố Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ dầu 'bẩn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO