Kê khai tài sản còn hình thức

Lục Bình 30/07/2015 09:45

Đó là những thông tin từ kết quả khảo sát, đánh giá về qui định và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Liên hợp quốc về chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ công bố sáng qua (29/7).

Thanh tra Chính phủ cho biết, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng những năm qua là rất thấp như, năm 2013 là 11%; năm 2014 là 22%. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp như vậy nguyên nhân chính là do những sơ hở của các qui định pháp luật cũng như sự thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản.

Dẫn vụ án của Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của Vinashin với số tiền chiếm đoạt được xác định lên đến gần 19 triệu USD, ông Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây cũng là một ví dụ cho thấy việc phát hiện tham nhũng, ngăn chặn tẩu tán tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng đang có rất nhiều hạn chế, một phần do theo qui định của pháp luật hiện nay, người chủ tài sản không buộc phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản, còn cơ quan nhà nước phải tự chứng minh tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng mới có khả năng thu hồi.

Bình luận vì sao tài sản bị tham nhũng nhiều mà thu hồi lại ít như vậy, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định Nguyễn Khắc Chanh cho rằng, vì kê khai tài sản cán bộ còn quá hình thức và rất khó giám sát. Kê khai tài sản mới chỉ giới hạn trong cán bộ, công chức nhà nước. Trong khi đó tiếng là công khai tài sản nhưng thực tế chỉ đơn vị của công chức là biết thông tin này nên dân làm sao giám sát được. Vì là “tài liệu mật” nên không thể bỗng nhiên kiểm tra, chỉ khi có đơn thư cơ quan thanh tra mới có cơ hội xem xét bản kê khai của cán bộ có trung thực không.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào thừa nhận: Việc kê khai tài sản còn mang nặng tính hình thức và hầu như không đóng góp được nhiều cho việc phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Vấn đề trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản còn đang tranh luận, việc kiểm soát tài sản, thu nhập trên bình diện toàn xã hội còn chưa làm được khiến cho tài sản tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán, hòa lẫn với tản sản của người thân của họ… khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng càng khó khăn.

Để tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đề nghị, cần hoàn thiện pháp luật theo hướng bổ sung các qui định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề thu hồi tài sản trong sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) như, có các phương pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội. Theo đó, các tài sản có giá trị đều phải được giải thích rõ nguồn gốc. Đồng thời phải sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng chú trọng hơn nữa vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cũng như tăng mức phạt tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.

Cần qui định bất kỳ ai chiếm hữu không có căn cứ hợp pháp cũng có nghĩa vụ trả lại tài sản nhằm tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thể thu hồi lại tài sản đã bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng nhưng đã bị tẩu tán.

Minh bạch thông tin cũng như trách nhiệm giải trình là giải pháp quan trọng để PCTN cũng như thu hồi tài sản hiệu quả hơn - ông Đinh Văn Minh nói. Theo ông Minh, để việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước có sức lan tỏa rộng và hiệu quả, cần rà soát lại các biện pháp về công khai, minh bạch nhằm loại bỏ tính hình thức và hoàn thiện cơ chế đảm bảo công khai, minh bạch, cho phép người dân tiếp cận một cách đơn giản, rõ ràng và công bằng.

MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng

Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 40% người tham gia khảo sát nhận định rằng MTTQ Việt Nam có vai trò tích cực trong PCTN. Theo đó, thời gian tới MTTQ cần tăng cường vai trò giám sát phản biện xã hội, cần xác định rõ giám sát và phản biện xã hội là quyền của dân, là trách nhiệm của MTTQ với dân, với Đảng. Đảng cần tạo mọi điều kiện để MTTQ đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống. Chỉ khi dân thông qua MTTQ, thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kê khai tài sản còn hình thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO