Kết nối kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp

TUỆ PHƯƠNG 19/07/2022 06:16

Thụ hưởng nền văn hóa, giáo dục Đông - Tây, tiếp cận nguồn trí tuệ toàn cầu, cùng sự nhạy bén với thị trường, những người trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có nhiều cơ hội lập nghiệp tại khắp nơi trên thế giới. Trong số đó có nhiều thanh niên đang sinh sống, học tập tại nước ngoài đã khởi nghiệp thành công, mở rộng kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Anh Lương Hải Long và cộng sự xây dựng trang thương mại trực tuyến mang dấu ấn Việt tại Séc với chuỗi hơn 20 siêu thị lớn nhỏ.

1.Mới khởi nghiệp được 3 năm trong lĩnh vực phát triển phần mềm, nhóm thanh niên Việt Nam do anh Nguyễn Công Thành đứng đầu đã nắm bắt được những cơ hội lớn nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet kết nối vạn vật (IoT) tại Nhật Bản. Với cái tên ngắn gọn và ý nghĩa, năm 2017, Công ty Hachix được thành lập tại Nagoya, thuộc tỉnh Aichi (Nhật Bản) với số vốn 5 triệu yên (khoảng 43.600 USD vào thời điểm đó). Một nửa số vốn là của anh Nguyễn Công Thành và 2 người đồng sáng lập khác, phần còn lại từ một doanh nhân mà họ quen biết.

Các lĩnh vực phát triển của công ty tập trung vào việc phân tích hình ảnh, nhận diện khuôn mặt, xe tự lái, hệ thống giám sát trong nhà máy, công xưởng, hệ thống quản lý điện trong nhà máy, chung cư, cung cấp dữ liệu có nguồn gốc từ cảm biến để tối ưu hóa việc bố trí công nhân nhà máy... Các lĩnh vực này đều thiết thực, phù hợp trong bối cảnh phát triển như vũ bão của đất nước mặt trời mọc.

Chia sẻ những thành công trên con đường khởi nghiệp sáng tạo, anh Thành hồ hởi kể về câu chuyện của mình. Anh bắt đầu nghĩ đến việc khởi nghiệp khi còn là một học sinh cấp 2. Khi đó anh đã cảm nhận được được niềm yêu thích với các thương hiệu sản xuất nổi tiếng tại Nhật Bản như tivi Sony và xe máy Honda. Hồi đó, khi kinh tế trong nước còn khá khó khăn thì những sản phẩm mang thương hiệu này trở thành niềm mơ ước của nhiều gia đình.

Ấp ủ ý tưởng đó, Thành sang Nhật học tại một trường dạy tiếng Nhật ở thành phố Hiroshima. Năm 2005, anh theo học Đại học Osaka và nhận bằng thạc sĩ về mạng thông tin. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Thành gia nhập Brother Industries, một nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử có trụ sở tại thành phố Nagoya và phát triển các chương trình sử dụng cho máy photocopy đa chức năng. Làm việc ở đây được 6 năm, Thành nghỉ việc ở Brother và thành lập công ty riêng của mình và phát triển nó cho đến ngày nay.

“Hiện tại ở Nhật Bản, tôi biết có nhiều người Ấn Độ và người Singapore đã khởi nghiệp thành công cho nên tôi rất mong những bạn trẻ ở đất nước Mặt trời mọc có nhiều khát khao khởi nghiệp, để sự nghiệp của họ có thể thành công hơn nữa tại thị trường Nhật Bản”, anh Thành chia sẻ.

Được biết, hiện nay, cộng đồng trí thức, chuyên gia Việt Nam có trình độ cao tại Nhật Bản ngày càng lớn với khoảng 1.000 người, trong đó nhiều người đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học uy tín, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, y tế… với lực lượng các trí thức trẻ, doanh nhân trẻ khởi nghiệp và đông đảo các du học sinh tràn đầy nhiệt huyết. Những người đó đang đóng vai trò đầu tàu cho sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Cũng giống như Nguyễn Công Thành khởi nghiệp sáng tạo và có những thành công trên con đường sự nghiệp tại Nhật Bản, anh Lương Hải Long - một người Việt sinh sống nhiều năm ở Cộng hòa Séc cũng thành lập Công ty Dailly Fresh Foods do mình quản lý. Công ty chuyên cung cấp và vận chuyển đồ đông lạnh đến từng cơ sở kinh doanh của khách hàng.

Ý tưởng thành lập công ty bắt nguồn từ mong muốn phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của cộng đồng người Việt tại Séc. Trước khi công ty được thành lập, anh Long đã chia sẻ ý tưởng này với những người bạn thân và mong muốn hợp tác cùng họ để triển khai dự án. Được sự ủng hộ và tham gia hỗ trợ của bạn bè, dịch vụ cung cấp thực phẩm cho người Việt đã ra đời. Từ năm 2017 đến nay, công ty đã mở rộng thị trường phân phối, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, tạo việc làm cho nhiều lao động là người Việt Nam đang sinh sống ở Séc.

Chia sẻ thành công trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo, anh Lương Hải Long cho biết, khi mới thành lập, công ty gặp nhiều vấn đề, khó khăn đến từ rất nhiều phía nhưng chúng tôi đã từng bước gỡ bỏ, tháo gỡ các nút thắt. Do đó, chỉ hơn 3 năm sau khi thành lập, công ty Dailly Fresh Foods đã có hơn 20 siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ, là công ty đầu tiên tại Séc hỗ trợ vận chuyển đồ đông lạnh đến tận tay người tiêu dùng.

“Người trẻ muốn khởi nghiệp thành công phải biết dấn thân, dù kết quả có thế nào thì hãy giữ vững niềm tin cũng như không ngừng học hỏi, nghiên cứu thị trường để phát triển bản thân. Để có thể khởi nghiệp thành công, với mỗi bạn trẻ cần nhiều yếu tố. Khởi nghiệp cần có sự đam mê nhưng đam mê thôi thì chưa đủ, nhu cầu bột phát thôi chưa đủ mà cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, cần tìm hiểu cụ thể nhu cầu của thị trường thì khởi nghiệp mới có thể bền vững. Cuộc sống ở nước ngoài không dễ dàng nhưng thành công sẽ đến với những người biết cố gắng”, anh Long nhắn nhủ.

2.Thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 50 Hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.

Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng, là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, các du học sinh Việt Nam, đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có sản phẩm, giải pháp bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh năng lực và được cộng đồng quốc tế công nhận. Một số doanh nghiệp, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài đã về nước hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và tạo được những tác động đáng ghi nhận, như nền tảng quản trị, giải pháp kết nối trực tuyến, các ứng dụng AI, robot, IoT hỗ trợ phòng chống Covid-19.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam, việc kết nối kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước đã thể hiện sinh động việc phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Trong nhiều năm qua, với vai trò “đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ”, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp cùng nhiều bộ, ngành và các cơ quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ mở đường cho việc kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

“Để huy động sự đóng góp của kiều bào trong khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt để xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần được truyền tải thông tin đầy đủ và cập nhật đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, là đòn bẩy thu hút chuyên gia người Việt ở nước ngoài đóng góp cho quê hương”, ông Ngô Hướng Nam chia sẻ.

Có thể khẳng định rằng, tinh thần khởi nghiệp chính là động lực cho mỗi bạn trẻ người Việt tìm tòi, thử sức mình trên con đường kinh doanh. Tuy vậy, để khởi nghiệp thành công cần có rất nhiều yếu tố mà mỗi người phải tự tìm ra cho mình một hướng đi hiệu quả. Ngoài kỹ năng, sự đam mê, thì sự trợ giúp trong chính sách, sự hỗ trợ vốn đầu tư là cần thiết để mỗi bạn trẻ có thể mang kiến thức học tập ở nước ngoài trở về khởi nghiệp trên quê hương.

Khi nói đến nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, mọi người thường nói đến nguồn tài lực như hằng năm, có từ 17-18 tỷ USD chuyển về trong nước. Tuy nhiên, chúng ta phải nói đến một nguồn lực lớn nữa, mà khó có thể đong đếm được, đó là nguồn trí lực, trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt những chuyên gia, trí thức hiện nay đang sinh sống, làm việc ở những quốc gia, khu vực đang phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kết nối kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO