Khai thông 'Dòng chảy phương Bắc-2'

Đình Tú 23/05/2020 08:00

Việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2) đã bước vào giai đoạn cuối và sắp hoàn thành. Thời gian và tốc độ hoàn thành một trong những tuyến dẫn khí đốt lớn nhất thế giới đang được đẩy nhanh bởi cả Đức và Nga bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ.

Khai thông 'Dòng chảy phương Bắc-2'

Dự án Dòng chảy Phương Bắc-2 đã được xây dựng khoảng 94%.

Chỉ còn 6%

Các ảnh chụp từ vệ tinh hồi giữa tháng 5 cho thấy, việc hoàn thành “Dòng chảy phương Bắc-2” đã sẵn sàng khi những đoạn ống nằm ở cảng Murkan của Đức đã được chuyển đến bến để bốc xếp lên tàu. Cảng Murkan là trung tâm hậu cần phục vụ công tác xây dựng tuyến đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2”. Hiện đã có 1.239 km đường ống dẫn khí đốt đã được lắp đặt xong, chỉ còn khoảng 6% khối lượng công việc cần phải hoàn thành nốt.

Không những thế con tàu đặt ống “Viện sĩ Chersky” của Nga, con tàu được lựa chọn để hoàn thành dự án, đã neo đậu cách cảng Murkan 5 km. Các chuyên gia cho rằng tàu “Viện sĩ Chersky” có thể hoàn thành việc xây dựng để đưa “Dòng chảy phương Bắc-2” vào hoạt động vào cuối năm 2020.

Trước đó, Công ty Allseas của liên danh Thụy Sĩ - Hà Lan thực hiện việc đặt ống trước đó đã đình chỉ công việc của mình do Hoa Kỳ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tàu “Viện sĩ Chersky” khi ấy đang ở vùng Viễn Đông đã rời cảng Nakhodka và lên đường đến Singapore và ngày 9/5 nó đã neo đậu ở Đức.

Theo chuyên gia Sergei Pikin, Giám đốc Quỹ Phát triển Năng lượng Nga: “Sẽ rất khó khăn để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại việc hoàn thành này của bất kỳ quốc gia nào”

“Người Đức đang rất quan tâm đến việc hoàn thành xây dựng dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”. Quyết định ủng hộ cho dự án này của cơ quan quản lý Đức khẳng định ý định nghiêm túc của chính quyền Đức”- ông Pikin nhấn mạnh. Đầu tháng 5, thông báo của Chính phủ Đức khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính trị đối với các công ty tham gia dự án để chúng có thể được hoàn thành.

Ông Pikin cho rằng, Berlin quan tâm đến việc hoàn thành xây dựng “Dòng chảy phương Bắc-2”, quyết định ủng hộ “Dòng chảy phương Bắc” của cơ quan quản lý Đức khẳng định ý định nghiêm túc của phía Đức, nhưng việc “Dòng chảy phương Bắc-2” chưa có quyết định miễn trừ cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước.

Bất chấp trừng phạt

Công ty Uniper - một trong những đối tác của Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga và là nhà đầu tư chính của “Dòng chảy Phương Bắc-2”, cho biết tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu sẽ được vận hành mặc dù dự án đang phải trì hoãn thời gian hoàn thành.

“Đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc 2” là một dự án quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Chúng tôi hy vọng tuyến đường ống này sẽ được triển khai và sẽ cung cấp tới 55 tỷ mét khối khí mỗi năm cho chúng tôi, mặc dù hiện tại thời gian khánh thành dự án này đang phải kéo dài”- báo cáo của Uniper nêu rõ.

Trước đó, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt đối với “Dòng chảy Phương Bắc-2” vào giữa tháng 12/2019. Vào cuối tháng 12/2019, Tập đoàn Allseas của Thụy Sĩ - Hà Lan, được Gazprom thuê lắp đặt đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 ở biển Baltic, đã dừng thi công và thu hồi các tàu rải ống để tránh bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuyến đường ống “Dòng chảy Phương Bắc-2” ngầm dưới biển nối Nga đến bờ biển Đức sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Tây Âu thông qua Đức, quốc gia tiêu thụ chính từ dự án này. Do Tập đoàn Gazprom của Nga khởi xướng, hợp tác với các công ty châu Âu: Engie, OMV, Shell, Uniper và Wintershall, “Dòng chảy phương Bắc-2” có công suất 110 tỷ m3 mỗi năm.

Nhưng đối với Washington và một số nước châu Âu như Ba Lan, các nước Baltic và Ukraine, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga. Họ cho rằng Moscow có thể sử dụng khí đốt như một vũ khí để gây áp lực chính trị với châu Âu. Ngoài ra, những nước phản đối còn cho rằng “Nord Stream - 2” khiến đồng minh Ukraine của họ bị mất nguồn thu đáng kể từ việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Theo chuyên gia Sergei Pikin, giải pháp tốt nhất là Nga và Đức nên thành lập một công ty quốc tế để quản lý việc cung cấp theo hướng này. “ Sự hiện diện của những tên tuổi quốc tế lớn trong vốn cổ phần công ty có thể sẽ giúp ích được, bởi Mỹ sẽ rất khó để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại những gã khổng lồ của thế giới”, ông Pikin nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thông 'Dòng chảy phương Bắc-2'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO