Khẩn trương ứng phó bão số 4

V. Hà 29/08/2019 00:00

Dự báo tối ngày 30/8, bão số 4 (bão Podul) sẽ vào đất liền, trực tiếp ảnh hưởng tới các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Khi vào đất liền, bão số 4 sẽ có sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Khẩn trương ứng phó bão số 4

Dự báo bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp 2 tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình.

Chiều 28/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo để triển khai các giải pháp chủ động ứng phó sớm với cơn bão số 4 (Podul). Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký công điện số 13 gửi nhiều tỉnh, thành phố và các bộ có liên quan yêu cầu triển khai ứng phó với bão số 4.

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết bão Podul vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2019. 13h ngày 28/8, vị trí tâm bão ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc, 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo, đến 13 giờ ngày 29/8, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 13 giờ ngày 30/8, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100 km/giờ), giật cấp 12. Và đến chiều đến tối 30/8, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, chủ động triển khai các phương án ứng phó với phương châm 4 tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại tính mạng người dân, tránh thiệt hại đáng tiếc như bão số 12 ở Khánh Hòa. Đối với khu vực ven biển và trên đất liền cần rà soát để sẵn sàng di dân ở khu vực có khả năng bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vì nhiều năm qua, thiệt hại do bão không lớn bằng thiệt hại do mưa lũ hoàn lưu bão gây ra.

“Đối với các hồ đập thủy điện, thủy lợi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành và địa phương trong vận hành, tránh để tình trạng hồ của bộ quản lý mà địa phương không quan tâm vì nếu xảy ra thì hậu quả lớn nhất vẫn là người dân địa phương. Đặc biệt là kiểm tra lại trang thiết bị vận hành, điều tiết các hồ chứa, tránh tình trạng như hồ thủy điện ở Đắk Lắk vừa qua” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 29/8 đến ngày 2/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương ứng phó bão số 4

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO