Khi bệnh tay chân miệng trở nặng

T.M 29/05/2022 14:00

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có một trường hợp tử vong.

Theo BS Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh TCM được phân loại thành 4 cấp độ. Cấp độ 1, bệnh chỉ gây loét miệng hoặc tổn thương da. Ở cấp độ 2, trẻ có thêm triệu chứng giật mình, sốt cao. Từ cấp độ 3-4, trẻ bị TCM nặng, phải cấp cứu hoặc điều trị hồi sức tích cực.

BS Lê khuyến cáo cha mẹ chăm sóc trẻ mắc TCM cần quan sát con kỹ lưỡng. Nếu trẻ bị sốt cao trên hai ngày hoặc sốt trên 39 độ, giật mình (dù rất khẽ), gia đình nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Cha mẹ không nên chủ quan, trì hoãn đưa con đi khám. Các dấu hiệu nói trên cho thấy trẻ có thể mắc TCM nặng, dễ biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là viêm não, phù phổi, tim mạch có thể dẫn đến tử vong.

Theo BS Lê, bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chính là chăm sóc và điều trị triệu chứng. Gia đình sẽ được bác sĩ tư vấn thuốc giảm đau nếu trẻ có vết loét trong miệng. Đối với các vết ban hồng trên tay hoặc mụn phỏng nước, cha mẹ không nên làm vỡ các mụn này hoặc bôi thuốc không được bác sĩ chỉ định vì dễ để lại sẹo. Các vết ban hồng hoặc mụn nước sẽ tự biến mất, do đó gia đình chỉ cần vệ sinh, tắm rửa sạch cho trẻ hàng ngày.

Về dinh dưỡng, phụ huynh cần đảm bảo trẻ ăn lượng thực phẩm tương đương với thời kỳ chưa mắc bệnh. Nếu trẻ không thể ăn nhiều, gia đình nên chia nhỏ các bữa ăn. Trẻ có vết loét trong miệng có thể ăn món lỏng, nguội hơn để tránh bị đau. TCM là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Vì vậy, để phòng bệnh, cha mẹ nên rửa tay, vệ sinh sạch sẽ cho con hàng ngày. Trẻ mắc bệnh cần cách ly tối thiểu 10 ngày để đảm bảo không lây nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi bệnh tay chân miệng trở nặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO