Khi cung vượt cầu

An Bình 16/12/2019 06:10

Giá cam đến tay người tiêu dùng chỉ 15.000 đồng/kg, tương tự giá quýt, bưởi… cũng rớt kỷ lục. Giá trên thị trường xuống thấp như vậy nên giá thu mua tại vườn có thể nói là “rẻ như cho”.

Nguyên nhân chính khiến giá trái cây có múi tụt dốc là do bà con nông dân chuyển đổi, mở rộng diện tích cây trồng quá nóng. Tại các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa cùng nhiều tỉnh phía Bắc, người dân đang vào mùa thu hoạch, bội thu sản phẩm trái cây có múi.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây ăn quả có giá trị vào sản xuất là hướng đi đúng đắn nhằm phát huy tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, ở một số địa phương đang có hiện tượng bỏ qua định hướng, người dân tự ý mở rộng các diện tích cây ăn quả mà không gắn với thị trường tiêu thụ, khiến nguồn cung dư thừa, người nông dân rơi vào cảnh khó khăn khi vào mùa thu hoạch.

Sản xuất manh mún, chưa có thương hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ…khiến cho các sản phẩm trái cây của các địa phương không đạt giá trị cao, chủ yếu được tiêu thụ tự do nội địa. Mặc dù tại nhiều địa phương, cũng có một số loại trái cây được các DN đầu tư, thu mua chế biến tuy nhiên sản lượng này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, phần lớn các sản phẩm đều được mua bán tự do thông qua thương lái. Do đó câu chuyện “được mùa rớt giá” vẫn không thể giải quyết được.

Để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, giảm thiểu tình trạng “cung vượt cầu”, giới chuyên gia ngành nông nghiệp khuyến cáo, bà con nông dân cần chú trọng phát triển sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, cạnh tranh về giá thành. Hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, tăng diện tích một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng nguồn cung dư thừa, đẩy giá trái cây xuống thấp, cuối cùng vẫn là người nông dân phải chịu thiệt thòi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi cung vượt cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO