Khi sản phẩm OCOP lên sàn

DUY KHANG 11/06/2023 08:00

Bên cạnh hình thức truyền thống, việc đưa các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử đang là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản của các địa phương vươn xa. Thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên kênh trực tuyến, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản Việt.

Các sản phẩm OCOP đang được các địa phương xúc tiến tiêu thụ bằng nhiều hình thức trực tuyến và truyền thống.

“Số hóa” các sản phẩm OCOP

Là một du khách ưa thích sản phẩm cơm cháy của Ninh Bình, chị Lê Thu Ngân (Việt kiều Mỹ) cho biết, chị về Việt Nam lần này chắc chắn sẽ phải ghé qua Ninh Bình để mua sản phẩm cơm cháy, một trong những thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình để mang về Mỹ làm quà cho người thân. Chị Ngân cho biết, chị đã rất mê món cơm cháy Ninh Bình từ nhiều năm nay, và cảm thấy rất vui khi được biết, sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Vui hơn nữa, là hiện nay sản phẩm cơm cháy Ninh Bình cũng đã được rao bán trên các sàn thương mại điện tử. “Với việc các sản phẩm nông sản được đưa lên sàn điện tử trong đó có món cơm cháy của Ninh Bình, chắc chắn thời gian tới nhiều Việt kiều ở Mỹ sẽ được thưởng thức món ăn ngon này mà không phải về tận Ninh Bình để mua” - chị Ngân hồ hởi chia sẻ.

Việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đã được tỉnh Ninh Bình thực hiện rốt ráo thời gian qua. Đến thời điểm này, các sản phẩm OCOP tiêu biểu do người dân Ninh Bình sản xuất bao gồm: cơm cháy, ngô nếp tươi sấy (Công ty Cổ phần Sinh hóa Ninh Bình), Trà hoa Cúc (Hợp tác xã Riti) đã tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước như: Sendo, Tiki, Lazada… Chương trình OCOP đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc ra mắt nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét đặc trưng của những vùng, miền, địa phương tỉnh Ninh Bình.

Cùng theo nhịp “số hóa”, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ cũng đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh đưa lên tiêu thụ trên kênh trực tuyến. Theo chia sẻ của ông Cao Đăng Duy - Giám đốc Hợp tác xã mỳ gạo Hùng Lô (Phú Thọ), nếu như trước đây, sản phẩm mỳ gạo chủ yếu được bày bán ở các chợ truyền thống, cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm nông sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, thì nay với thời kỳ của chuyển đổi số, người mua và người bán có thể kết nối qua sàn thương mại điện tử dù cách xa nhau hàng trăm km. Chỉ bằng một cú click chuột, mọi thông tin về chất lượng, mẫu mã sản phẩm để hiện lên trên màn hình điện thoại thông minh, ipad, máy tính và khách hàng có thể giao dịch ngay lập tức, không cần phải đến tận nơi.

Đại diện một số hợp tác xã sản xuất chè, cá thính, thịt chua... trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng cho biết: Sàn thương mại điện tử là nơi giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, ở đó không có khái niệm về khoảng cách địa lý... Việc đưa sản phẩm lên sàn đã giúp nhiều hợp tác xã ở Phú Thọ mở rộng thị trường, doanh thu không ngừng tăng lên.

Tương tự, tại Quảng Ngãi, nhiều sản phẩm OCOP cũng đã được địa phương đẩy mạnh tiêu thụ bằng cách đưa lên sàn thương mại điện tử. Theo đó, sản phẩm bò khô Thu Ba của Công ty TNHH Thu Ba - một thương hiệu nổi tiếng tại Quảng Ngãi đạt chuẩn OCOP 4 sao mới đây cũng đã được doanh nghiệp đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba... Theo Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thu Ba, sàn thương mại điện tử là nơi giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Việc đưa sản phẩm lên sàn đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, có kênh phân phối khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu không ngừng tăng lên.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 90 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 85 sản phẩm đạt 3 sao. Có 51 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Hầu hết sản phẩm OCOP có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhưng việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn. Việc đưa các sản phẩm OCOP lên các kênh thương mại điện tử đã và đang góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.

Để sản phẩm OCOP vươn xa

Trong thời kỳ số hóa, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử là xu hướng không thể đảo ngược. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với lợi thế bán hàng đa kênh cùng hệ thống quản lý sản phẩm và đơn hàng trên nhiều nền tảng trực tuyến, sàn thương mại điện tử đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả. Đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử vừa giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm, từ đó các sản phẩm OCOP của các địa phương có thể vươn xa, thậm chí xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.

Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP và những sản phẩm đặc sản vùng miền của các địa phương đến với người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất cho biết, do hạn chế về nguồn lực kinh tế, con người nên nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp hiện vẫn đang khá khó khăn trong việc thể kết nối, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Theo chia sẻ của ông Phùng Đắc Kiêu - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội), sản phẩm lên sàn chịu rất nhiều áp lực, ngoài cạnh tranh về giá thì việc đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cũng phải được chú trọng. Bên cạnh đó đội ngũ nhân viên phải được đầu tư, đào tạo bài bản để có các kỹ năng giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Đó là những rào cản của nhiều doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã hiện nay.

Nói về câu chuyện này, ông Bùi Huy Hoàng - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin: Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Sendo…

Ông Hoàng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, chính doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP cũng cần tăng cường tuyên truyền cho sản phẩm tới người tiêu dùng, chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực vận hành trên sàn thương mại điện tử, cải thiện chất lượng về nội dung đăng tải trên các sàn thương mại điện tử nhằm thu hút khách hàng và người tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vươn xa thông quan sàn thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi sản phẩm OCOP lên sàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO