Mỗi sản phẩm OCOP của tỉnh Lạng Sơn đều được gắn với một câu chuyện, từ đó đã làm tăng sức hút và tính cạnh tranh cho sản phẩm OCOP của tỉnh.
Các câu chuyện sản phẩm thường được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố như phương thức sản xuất truyền thống của người dân, đặc trưng vùng địa lý, các yếu tố lịch sử, văn hóa liên quan đến sản phẩm, công dụng nổi bật, riêng biệt của sản phẩm…
Điển hình như câu chuyện sản phẩm OCOP 3 sao mật ong ngũ gia bì của HTX Nuôi ong lấy mật xã Vân Thuỷ (huyện Chi Lăng): “Mật ong ngũ gia bì có nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại mật ong bình thường, loại mật ong này còn là 1 vị thuốc quý vì được lấy từ mật hoa cây ngũ gia bì – một loại cây dược liệu quý thuộc họ Nhân sâm mọc tại Vân Thuỷ. Hiện nay, chỉ có tỉnh Lạng Sơn mới có loại mật ong này. Mật ong ngũ gia bì chứa nhiều hợp chất từ đặc tính của hoa ngũ gia bì, được người dân nơi đây xem là “thần dược” giúp trị các bệnh về hô hấp, xương khớp…”.
Theo ông Nông Văn Hiệp, thành viên HĐQT HTX Nuôi ong lấy mật xã Vân Thuỷ, khi sản phẩm mật ong của HTX tham gia các sự kiện quảng bá và bán trên các sàn thương mại điện tử, rất nhiều người tiêu dùng đã quan tâm và bị thuyết phục bởi câu chuyện sản phẩm. Nhiều người đã đặt mua sản phẩm để sử dụng, làm quà tặng. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, thị trường sản phẩm được mở rộng ra thêm một số tỉnh, thành mới như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 10.000 lít/năm, cao hơn khoảng 20% so với trước khi tham gia chương trình OCOP.
Thực tế, nhiều khách hàng cũng cho rằng họ bị chi phối và thuyết phục bởi câu chuyện sản phẩm trong quá trình đưa ra quyết định lựa chọn mua sản phẩm OCOP.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) chia sẻ: Mặc dù cùng một loại sản phẩm như rượu, gạo hay mật ong,… nhưng lại có nhiều thương hiệu và nhiều nhà sản xuất khác nhau. Những sản phẩm có câu chuyện riêng sẽ thu hút sự chú ý của tôi hơn bởi vì thông qua đó tôi có thể dễ dàng nắm bắt thông tin cũng sự khác biệt của sản phẩm này với các sản phẩm cùng loại…
Bên cạnh đó, một câu chuyện sản phẩm hay cũng có thể là chủ đề thú vị trong nhiều cuộc trò chuyện, lời truyền miệng và vô hình để lại ấn tượng trong tâm trí người tiêu dùng.
Anh Lê Quốc Tú (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Qua một lần nói chuyện phiếm với bạn bè, tôi mới được nghe câu chuyện về đặc sản gà 6 ngón Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Kể từ đó, mỗi khi có hội chợ OCOP, tôi cũng đặc biệt chú ý các gian hàng của tỉnh Lạng Sơn và tìm kiếm sản phẩm này… Trong lòng tôi cũng ấp ủ dự định thưởng thức món gà 6 ngón Mẫu Sơn nướng mật ong rừng ngay khi có dịp lên xứ Lạng.
Cùng với sản phẩm mật ong ngũ gia bì hay gà 6 ngón Mẫu Sơn, hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn còn có hơn 90 sản phẩm OCOP “sở hữu” câu chuyện sản phẩm riêng biệt…
Xác định tiêu chí câu chuyện sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất để quảng bá sản phẩm, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện câu chuyện sản phẩm. Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho hơn 200 người tham gia và tổ chức 1 cuộc tham quan, học tập về xây dựng sản phẩm OCOP tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trong đó, đơn vị đã dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện tốt câu chuyện sản phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP hoàn thiện câu chuyện sản phẩm. Đơn cử như tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, nhiều chủ thể OCOP đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, tư vấn và kết nối đến các cá nhân, tổ chức nhằm viết nên câu chuyện sản phẩm dựa trên ý tưởng của chủ thể.
Theo ông Phạm Tuyến, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, để công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt hiệu quả cao, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng câu chuyện sản phẩm thu hút được người tiêu dùng. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực cán bộ phụ trách để đáp ứng tốt việc tư vấn, hỗ trợ các chủ thể. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện thẩm định kỹ lưỡng tiêu chí “câu chuyện sản phẩm” khi đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. Đối với các sản phẩm chưa đạt về tiêu chí này, Chi cục sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ ngành chức năng, các chủ thể OCOP cũng cần tiếp tục quan tâm phát triển câu chuyện sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn nữa.