Khi Việt Nam là điểm đến

Miên Thảo 04/06/2022 07:06

Kể từ ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn cả trong và ngoài nước. Ngày 15/5, chính thức bỏ xét nghiệm nhanh với người nhập cảnh. Kết quả này đến từ việc chúng ta đã kiểm soát được dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước. Trước đó, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Mùa hè, mùa cao điểm du lịch đã đến với người dân cả nước. Cùng đó, du lịch quốc tế cũng tăng tốc.

Khách du lịch nội địa dự kiến tăng mạnh trong dịp nghỉ hè. Ảnh: Quang Vinh

5 tháng đầu năm 2022, cho dù còn nhiều khó khăn sau 2 năm đại dịch Covid-19 kéo dài, nhưng du lịch Việt Nam đã chứng tỏ sức bật mạnh mẽ. Cùng với khách trong nước, khách quốc tế vào Việt Nam cũng tăng vọt. Tính chung 5 tháng, khách quốc tế đến nước ta đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng cục thống kê, chỉ tính trong tháng 5 thì khách quốc tế đến Việt Nam đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, dữ liệu phân tích thị trường của Google cho thấy đang có sự gia tăng rất nhanh lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam, trong đó có Mỹ, Úc, Singapore, Pháp, Nhật Bản, Đức, Canada, Ấn Độ, Anh, Thái Lan...

Năm 2019 trở về trước, trong vòng 10 năm du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là với du lịch quốc tế. Bằng nhiều hình thức quảng bá, nhiều chủ trương thông thoáng nên khách du lịch châu Âu, châu Mỹ, châu Á... vào Việt Nam đông và tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố đó là đại dịch trên phạm vi toàn cầu (kể từ ngày 11/3/2020), thì du lịch Việt Nam lập tức rơi vào tình thế “ngủ đông”. Việt Nam cũng như các quốc gia khác phải áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan và kiểm soát dịch nên chính sách “đóng cửa” được áp dụng. Cả năm 2020, du khách quốc tế vào Việt Nam chỉ là 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019. Sang năm 2021, theo Tổng cục Thống kê, tình hình còn căng thẳng hơn khi cả năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ là 157.300 lượt người, giảm 95,9% so với năm 2020.

Tuy nhiên, tình hình đã khác kể từ đầu năm nay, khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, dẫu vẫn chưa đạt con số như hồi trước dịch. Nhưng với những gì đã và đang diễn ra thì hoàn toàn có thể thấy rằng ngay trong năm nay, cùng với du lịch nội địa, du lịch quốc tế của Việt Nam sẽ bật tăng.

Thời gian qua, Chính phủ đã chủ trương nhiều biện pháp tạo điều kiện tốt nhất để hồi phục du lịch quốc tế thời kỳ “hậu Covid”. Vấn đề còn lại là khả năng khai thác của ngành du lịch, khả năng tổ chức thực hiện của các địa phương trọng điểm du lịch. Nhiều chuyên gia xã hội học đã lên tiếng cảnh báo, khi du khách quốc tế quay lại, để Việt Nam thật sự là điểm đến thì cần loại bỏ ngay cách làm “ăn xổi”, “bóc ngắn cắn dài”, càng không thể khai thác theo lối làm tất cả để “lấy lại những gì đã mất” trong đại dịch. Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi, nhưng như thế là chưa đủ nếu như cách làm du lịch vẫn “cò con”, sản phẩm du lịch nghèo nàn, dịch vụ yếu kém, nhân lực phục vụ du khách nhiều bất cập.

Nói tóm lại, khi du khách quốc tế bắt đầu trở lại thì du lịch của chúng ta phải nâng cấp. Như người đời vẫn nói, muốn chạy nhanh thì phải có lực, phải có kỹ năng. Khống chế thành công đại dịch Covid-19, Việt Nam đã là điểm đến an toàn nhưng còn phải vượt lên thành điểm đến thú vị, điểm đến đẳng cấp, không chỉ tầm khu vực mà còn là tầm thế giới. Đó không phải là việc quá khó đối với ngành du lịch, vì chúng ta đã có sẵn nền tảng với những ưu thế ít quốc gia có được. Vấn đề là trên cơ sở đó phát huy ra sao, khai thác thế nào với một chiến lược rộng dài chứ không phải chỉ là chiến thuật với những tình huống trước mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi Việt Nam là điểm đến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO