Vị tha hơn với học trò

Vĩnh Xuân 08/11/2015 09:10

Trước việc Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông, Hà Nội đình chỉ học sinh 10 ngày vì xúc phạm giáo viên trên facebook, dư luận có nhiều ý kiến. 

Bà Ngô Thị Tuyên- Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục và xuất bản cho rằng: “những học sinh vi phạm rất cần sự dạy dỗ của nhà trường. Nếu buộc thôi học tức là đã tước mất của học sinh sự uốn nắn cần thiết đó. Hình thức xử phạt này mang tính răn đe đối với những học sinh khác nhưng có thể không có đủ sức thuyết phục đối với chính học sinh vi phạm. Học sinh đó không những bị mất kiến thức trong suốt khoảng thời gian bị cho thôi học mà còn có thể trở nên phản kháng, khó dạy dỗ và đề phòng đối với người lớn”.

Về phía gia đình, bà Hà Phương, phụ huynh của nữ sinh bị đình chỉ học cho báo chí biết: Gia đình đã có đơn kiện lãnh đạo trường THPT Lê Lợi vì đuổi học con tôi một cách tùy tiện, thiếu căn cứ, không đúng quy trình. Nếu đúng như bà Phương trình bày thì Trường THPT Lê Lợi đang có cách hành xử chưa chuẩn mực khi xử lý sai phạm của học sinh.

10 ngày bị đình chỉ học tập với một học sinh chăm chỉ như em Q. (từng được điểm cao thứ nhì trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của nhà trường) là chuỗi ngày dài vô tận. Nhớ trường, nhớ bạn, cảm thấy xấu hổ và tổn thương đến mức muốn quyên sinh và phải điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền.

Thử hỏi nếu sự việc xảy ra nghiêm trọng như vậy thì khuyết điểm của nhà trường hay học sinh lớn hơn? Khi ấy mọi nội quy, mọi phân tích, giải trình đều vô nghĩa. Cũng chắc chắn rằng người giáo viên bị học sinh xúc phạm trong trường hợp này sẽ chịu những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Là nhà giáo chân chính nên vị tha hơn là chấp nhặt học trò, để sau những sốc nổi các em sẽ trưởng thành hơn. Cách hành xử của nhà trường có thể giúp học sinh sửa chữa khuyết điểm nhưng cũng có thể đẩy các em trượt dài trong lỗi lầm.

Đừng đẩy ai đến con đường cùng, nhất là với một học sinh cuối cấp đang cần thời gian và cả tâm lý để ôn luyện cho những kỳ thi quan trọng sắp tới. Nói như TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì phải để học sinh tự kiểm điểm đánh giá. Chính học sinh đó tự lên Facebook để đính chính, xin lỗi giáo viên. Điều đó sẽ có hiệu quả giáo dục hơn là đình chỉ học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị tha hơn với học trò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO