Khoảng trống dịch vụ y tế cho người chuyển giới

Kim Thanh 23/03/2019 09:00

Theo TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), nhu cầu chuyển giới ở Việt Nam là có thật, khả năng phẫu thuật đáp ứng được nhưng vì chưa có luật nên những người có nhu cầu phải ra nước ngoài.

Đáng lo ngại vì chưa có quy định nên nhiều người chuyển giới thường tự mua hormone qua đường xách tay, qua mạng internet, liều dùng do họ tự ấn định từ đó gây ra những rủi ro rất lớn.

Từ một trường hợp cụ thể…

Sinh ra mang hình dáng là nữ nhưng Đỗ Hoàng Mai Châu (quê Phú Thọ) luôn khao khát được là nam nhưng vì sợ gia đình, định kiến xã hội nên ép mình sống với hình dáng là nữ. Xong dù đã cố gắng nhưng mong ước được là chính mình vẫn luôn cháy bỏng. Từ đó, Châu đã tự mình tìm hiểu thông tin, thông qua nhóm LGBT (đồng tính, chuyển giới), tự mua hormone về để tiêm.

“Em tìm hiểu trên mạng nhận thấy với điều trị nội tiết tố, hormone sử dụng phải có nguồn gốc xuất xứ, nồng độ hormone nam nữ khác nhau, trường hợp nào tiêm bắp, mông, uống, bôi nhưng cũng vì chưa có luật nên hiện người chuyển giới như chúng em vẫn sử dụng hormone ở chợ đen và gặp phải rất nhiều rủi ro lớn về sức khỏe. Em đã rất lo sợ nếu mua phải hormone giả nhưng vì được là chính mình nên em vẫn liều làm”- Mai Châu chia sẻ.

Mai Châu tự mình thực hiện theo liệu trình cứ 3 tuần tiêm hormone 1 lần đến nay đã được gần 2 năm.

“Hormone thường lấy ở Thái Lan, theo hàng xách tay là chủ yếu. Bình thường, giá hormone cho một lọ cao nhất là 170.000 đồng nhưng khi cháy hàng có thể lên tới 250.000 đến 350.000 đồng, thậm chí còn cao hơn. Không chỉ chịu rủi ro khi mua hormone mà những người chuyển giới phải chịu rủi ro rất lớn khi tự tiêm vì không có dịch vụ y tế cho người chuyển giới. Khi tiêm mũi đầu tiên em gần như rơi vào trạng thái bất tỉnh. Hôm đó nhiệt độ ngoài trời hơn 30 độ mà người em rét run vì lạnh. Bạn bè bảo đưa em tới viện nhưng em quyết không đi vì sợ bị phát hiện” - Mai Châu kể.

Với trường hợp của Châu, bà Vũ Thị Thanh Nhàn- Trung tâm SCDI (Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng) cho biết đó không phải quá hiếm. Theo bà Nhàn, hiện nay vấn đề dùng hormone để thay đổi giới tính nói riêng và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận, vì thế hormone trên thị trường đều được bán qua “bóng tối”.

Cần được pháp luật bảo vệ

Nói đến những tác động hệ lụy của việc sử dụng hormone, BS Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ (BV Việt Đức) cho biết, người chuyển giới để duy trì được hormone cơ thể, phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Khi sử dụng hormone nữ hóa, người chuyển giới sẽ có thể mắc sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu…

Trong khi đó, với hormone nam hóa sẽ là bệnh lý đa hồng cầu, rụng tóc, tăng cân, ngưng thở khi ngủ, tăng men gan, mỡ máu...Rõ ràng việc tự mình sử dụng hormone sẽ gây rất nhiều rủi ro và hệ lụy thế nhưng vì chưa được pháp luật công nhận nên đến nay dù có nhu cầu khá lớn nhưng dịch vụ y tế dành cho người chuyển giới vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, ở nước ta nhiều người chuyển giới, tuy nhiên lại chưa có cơ chế pháp lý công nhận. Trong khi đó, trên thế giới đã có 71 quốc gia ban hành luật này. Hệ lụy là nhiều người chuyển giới thường tự mua hormone qua đường xách tay, qua mạng internet, liều dùng do họ tự ấn định, rất nguy hiểm. Vì vậy, việc ban hành luật chuyển đổi giới tính thực sự rất quan trọng.

Được biết, Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính trình Quốc hội. Tuy nhiên, cùng một thời điểm này, Bộ cũng đang trình lên Quốc hội 4 dự luật khác, nên Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính vẫn còn đang trong giai đoạn… “xếp hàng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống dịch vụ y tế cho người chuyển giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO