Khoảng trống tư vấn học đường

Lê Mai 23/12/2018 10:00

Trong một hội thảo cấp quốc gia về xây dựng mô hình tư vấn tâm lý vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Khánh Hòa…, cho thấy có trên 90% học sinh đang gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý.

Trong đó, học sinh THPT là lứa tuổi cần được tư vấn và can thiệp nhiều nhất. Một kết quả khảo sát trên 1.000 học sinh THCS nội thành TP.HCM của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm TP HCM cũng cho thấy, có 84,3% học sinh có dấu hiệu hủy hoại bản thân. Trong đó, 44,6% học sinh cảm thấy mệt mỏi chán nản và 41,1% học sinh có suy nghĩ bi quan về cuộc sống.

Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi học sinh phổ thông - giai đoạn có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có nhiều trăn trở, suy tư, lo lắng và có nhu cầu được hỗ trợ, tư vấn. Đó là những vấn đề liên quan đến tâm lý, tình yêu, giới tính, sinh sản, hướng nghiệp… Trong khi nhận thức của các em còn hạn chế, cộng thêm dễ bị dao động, kích động, tổn thương… thì gia đình, trường học chưa trở thành chỗ dựa về đời sống tâm lý, tinh thần.

Nói về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường hiện nay, TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) cho rằng, học sinh đang trong quá trình hình thành, phát triển, các em rất có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Đó là những vướng mắc khá phổ biến như căng thẳng trong học tập, các xung đột trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè; sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp; những vấn đề nảy sinh khi sử dụng internet... Tư vấn tâm lý học đường, một mặt có thể giúp các em xử lý các vấn đề nảy sinh, mặt khác giúp tăng cường khả năng thích ứng của học sinh trước các biến đổi của xã hội, tạo ra khả năng giải quyết tình huống phù hợp.

Trước thực trạng tâm lý học trò ngày càng phức tạp, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc tư vấn tâm lý học đường đồng thời đã ban Thông tư 31 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Theo Thông tư của Bộ, nhà trường phải có Tổ tư vấn để hỗ trợ học sinh. Thành phần gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội...

Tuy nhiên, nhiều nhà tư vấn tâm lý cho rằng chính những nhà quản lý giáo dục chưa thật sự hiểu về công tác tư vấn tâm lý. Theo ông Lê Khanh (Phòng tư vấn Tâm lý gia đình và trẻ em), dường như hoạt động tư vấn tâm lý học đường lại bao gồm đủ thứ công việc trong nhà trường với đủ thứ hình thức gọi là tư vấn, từ việc báo cáo chuyên đề, giảng bài, dạy tích hợp, tổ chức câu lạc bộ và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… nhưng lại thiếu hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh khi phải đối diện với những khó khăn, thách thức dẫn đến các rối nhiễu tâm lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống tư vấn học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO