Khơi thông thị trường cho nông sản

Lê Bảo 13/02/2023 09:00

Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8/1, là tin mừng đối với các doanh nghiệp hai nước song cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Để có được đột phá tại thị trường 1,4 tỷ dân này cần sự nỗ lực khơi thông thị trường từ ngành chức năng và doanh nghiệp.

Trái sầu riêng đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mang lại lợi nhuận, doanh số cao cho ngành nông nghiệp. Ảnh: TL.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2022, với mặt hàng rau quả, tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 53,7%, trong đó vải thiều và thanh long chiếm tỷ trọng cao nhất. Tiếp đó là sắn và các sản phẩm từ sắn.

Cơ hội song hành thách thức

Việc thông quan sang Trung Quốc đều đặn trở lại, cùng hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động cũng là cơ hội để giá các loại nông sản bật tăng mạnh. Sự tăng giá ghi nhận ở hầu hết các loại nông, thủy sản, đặc biệt rõ rệt nhất là trái cây, có mặt hàng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.
3 tuần trở lại đây, giá sầu riêng bật tăng. Tại vùng trồng sầu riêng tỉnh Tiền Giang, giá đã tăng gần gấp đôi khi thông tin thị trường Trung Quốc nhập khẩu trở lại. Đối với thanh long, khi Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1/2023, giá đã tăng gấp 3 lần trước đó. Hiện giá thanh long tại vườn là hơn 33.000 đồng/kg.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, hiện thị trường Trung Quốc đã có những quy định rất nghiêm ngặt nếu các doanh nghiệp (DN) không chủ động thay đổi thì sẽ đánh mất cơ hội cũng như lợi thế ở thị trường này.

Từ đầu từ năm 2022, Trung Quốc siết chặt quy định xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Cụ thể, phía Trung Quốc sẽ thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng giảm hàm lượng thuốc bảo vệ gần ngang bằng với các nước phát triển. Cùng với đó, nước này cũng quy định về truy xuất được nguồn gốc, mã vùng trồng.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, để công tác quản lý đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự đồng hành của các địa phương, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành hàng trong vấn đề quản lý mã số đã được cấp. Thời gian qua, rất nhiều hồ sơ, nhiều sản phẩm của Việt Nam được cơ quan chức năng Trung Quốc phê duyệt. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp với Văn phòng SPS thống kê, tổng kết số liệu các doanh nghiệp có hồ sơ mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi cho Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy họ phê duyệt các hồ sơ này.

Tuy nhiên, theo ông Đạt để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thanh long, một trong những loại trái cây của Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh: Quang Vinh.

Đa dạng giải pháp khơi thông thị trường

14 tỷ USD xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc có thể được xem là con số ấn tượng trong tổng 55 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong năm 2022. Tuy nhiên nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%. Điều này cho thấy, xuất khẩu nông sản sang thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam; cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản). Để tận dụng được lợi thế về vị trí địa lý cũng như thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông sản, ông Sơn cho rằng, trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.

Ở góc độ DN, ông Phạm Ngọc Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho rằng, để có thể xuất khẩu nông sản một cách thuận lợi, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng Trung Quốc cũng rất quan trọng.

“Thời gian qua DOVECO vẫn tích cực tham gia các Hội chợ tại Trung Quốc. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tạo điều kiện để các DN Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản Việt trong thời gian tới” - ông Thành đề xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, với trái sầu riêng, hàng năm, Trung Quốc chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khẩu từ các nước. Việt Nam có lợi thế nhất định về địa lý gần, việc vận chuyển nhanh hơn nhiều nước nên loại quả này được kỳ vọng sẽ mang về lợi nhuận, doanh số cao cho ngành nông nghiệp.

“Nếu tiếp cận tốt vào thị trường này, tận dụng lợi thế trồng quanh năm so với sầu riêng Thái Lan chỉ một vụ và đảm bảo chất lượng xuất khẩu thì giá trị sầu riêng mang về có thể đạt hơn 1 tỷ USD” - ông Tùng nhận định.

Nhằm tranh thủ các cơ hội khi thị trường mở cửa trở lại, hiện, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương, DN xuất khẩu tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh như nông sản, thủy sản; hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tổ chức Diễn đàn thương mại về xuất khẩu chính ngạch nông sản, hải sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc qua cảng Thượng Hải. Dự kiến, Diễn đàn sẽ được tổ chức trong tháng 4 tới tại Hà Nội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 1 ước đạt 6,8 tỷ USD. Trong tháng 1/2023, chỉ có mặt hàng rau quả có tăng trưởng dương với mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022, đạt giá trị 300 triệu USD. Tăng trưởng về xuất khẩu của mặt hàng rau quả được các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định là do việc mở cửa thương mại bình thường trở lại sau Covid-19 của thị trường Trung Quốc cũng như vừa qua nhiều loại nông sản đã được mở cửa sang các thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông thị trường cho nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO