Dự báo còn nhiều thách thức, nhưng ngành nông nghiệp vẫn kỳ vọng tiếp tục duy trì kỷ lục xuất khẩu trong năm 2023. Tuy nhiên, để tăng kim ngạch xuất khẩu, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách… Đồng thời cần tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan mà các hiệp định FTA mang lại.
Tìm kiếm cơ hội bứt phá
Trong tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây đã tăng trưởng với mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm 2022, trở thành mặt hàng xuất khẩu mạnh trong tháng đầu năm. Còn đối với mặt hàng gạo, do gạo Việt đã khẳng định được thương hiệu ở các thị trường khó tính nên ngay những ngày đầu năm 2023, DN xuất khẩu gạo đã đón nhận nhiều đơn hàng trị giá hàng triệu USD.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, xuất khẩu trái cây tăng trưởng là do nhu cầu của thị trường, sức mua tại châu Âu và Mỹ đang phục hồi nhanh hơn so với dự báo. Trong khi đó, mặt hàng trái cây tươi tiêu thụ nhanh, do vậy đối tác đặt đơn mới theo ngày, nhất là từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu những tháng đầu năm có chững lại mà nguyên nhân theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cũng như tác động của khó khăn về đơn hàng khiến giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2023 giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 600 triệu USD, giảm gần 31%; giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm gần 30% so với tháng 1 năm trước.
Nhiều DN xuất khẩu nông sản nhận định, bên cạnh những khó khăn, thách thức thì vẫn có những tín hiệu lạc quan của hoạt động xuất khẩu tháng đầu năm hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho nông sản Việt, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành nông nghiệp nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, DN cần phải nắm bắt và tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội bứt phá mới cho cả năm 2023.
Nhiều mặt hàng nông sản tuy có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong năm 2022, nhưng đã bật tăng giá trị trong tháng đầu năm nay. Ví dụ như, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước trong tháng 1/2023 đạt 30 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước.
Ở mặt hàng điều, xuất khẩu năm 2022 đem về 3,3 tỷ USD, giảm 10,1% về giá trị so với năm 2021. Sang đến tháng 1/2023, giá trị xuất khẩu điều đạt 226 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 1/2022.
Nắm bắt cơ hội, mở cửa thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023, do tiềm năng còn rất lớn và có thể đi xa hơn. Nhưng trước mắt, cần củng cố độ an toàn của sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Về lâu dài, cần tìm ra giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm bớt giá thành sản xuất và tăng thị phần của doanh nghiệp trong nước.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định, nông sản Việt có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu, nhất là cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, thủy sản... thu về giá trị cao tại các thị trường khó tính. Song các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, tập trung sản xuất phù hợp với những quy định và luật lệ quốc tế.
“Đặc biệt, doanh nghiệp cần nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng thế giới để xây dựng kế hoạch hành động, đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là những giải pháp bắt buộc để doanh nghiệp Việt đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu của mình” – ông Hải nói.
PGS.TS Phạm Tất Thắng - Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho rằng, hiện nay tư liệu sản xuất cũng như năng lực của doanh nghiệp đã thay đổi đáng kể, trong đó nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm mẫu mã, quy cách phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường. Đây là yếu tố quan trọng để hoạt động xuất khẩu bứt phá.
Thực tế cũng cho thấy, trước những khó khăn của thị trường, để trụ vững và bảo đảm doanh thu, ổn định việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa mặt hàng, chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu hàng chế biến sâu và đẩy mạnh xuất khẩu online qua nền tảng công nghệ số.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc Công ty Antesco, hiện Antesco đã đàm phán hợp tác song phương ký độc quyền xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh năm 2023 được 6.000 tấn rau quả, tương đương 15 triệu USD. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng với yêu cầu của đối tác, DN đẩy mạnh diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt 7.000 ha bắp non, 500ha đậu nành, 300ha xoài keo, 100ha bắp ngọt; đậu bắp Nhật, ớt và khoai môn 60ha.
Là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành thuỷ sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm, TS Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) cũng cho rằng, việc tìm kiếm và giữ vững thị trường luôn có những khó khăn, áp lực song nếu doanh nghiệp uyển chuyển trong sách lược thị trường, khách hàng, sản phẩm… phát huy thế mạnh của mình thì chắc chắn sẽ mở rộng thị trường.
Nhận diện tiềm năng và cơ hội xuất khẩu nông sản năm 2023, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, bên cạnh những thách thức thì điểm sáng cho thị trường nông sản rất rộng mở. Để thúc đẩy tăng trưởng của nông sản xuất khẩu cần khơi thông chính sách về vốn, tiền tệ và đất đai. Chúng ta đang sửa đổi Luật Đất đai cũng như gỡ các nút thắt của nền kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó là chính sách về hợp tác xã, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với sự chuẩn bị tích cực như trên, kỳ vọng xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục mang về những con số ấn tượng trong năm 2023.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, muốn vươn xa trên thương trường quốc tế, các địa phương, DN xuất khẩu nông sản cần nỗ lực nhiều để đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường các nước. Đơn cử như việc cần chuẩn hóa sản xuất, sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu từ Mỹ và EU là đòi hỏi tất yếu nếu DN muốn đi đường dài. Hay các địa phương chú trọng thiết lập mã số vùng trồng để tăng sản lượng và quản lý chất lượng nhóm hàng rau quả xuất sang Trung Quốc.
Tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch
Năm 2023, nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức. Do vậy, Bộ NN&PTNT sẽ phải tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Thúc đẩy quan hệ đa phương, song phương thông qua các diễn đàn lớn của Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEAN...., qua đó tận dụng cơ hội nâng cao hình ảnh nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương thực hiện Đề án tăng cường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; duy trì và phát triển thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU; chú ý thị trường Nga; mở rộng thị trường nông sản sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Argentina.
Ở bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc. Làm được điều này, nông sản Việt mới có cơ hội giữ vững chỗ đứng và thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu cũng như ngay trên sân nhà.
(Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến)