Không chủ quan, nhưng đừng quá hoang mang

Đức Trân 06/09/2019 06:39

Thủy ngân được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách 10 hóa chất độc hại đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Độc tố này có thể tác động lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, thận, da và mắt.

Sau vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông, tính đến nay, đã có hơn 100 người được Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) làm xét nghiệm thủy ngân máu và một số người đã được lấy nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo một số xét nghiệm khác, như: công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO). Đến nay có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép), 18 người còn lại chưa có kết quả.

Liên quan đến nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc cho rằng, yếu tố đáng quan ngại trong vụ cháy đó là môi trường nóng, nhiệt độ cao thuỷ ngân sẽ bốc hơi. Nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân cao nhất là lúc cháy to, sau khi dập rồi thì nguy cơ ít đi đáng kể. Những người có nguy cơ cao hơn cả là người trực tiếp tham gia cứu hỏa, hít trực tiếp khói nóng như lính cứu hoả, những cán bộ của Công ty Rạng Đông có mặt tại hiện trường vụ cháy, người dân tham gia chữa cháy, người dân ở sát nhà máy bị cháy, hít phải hơi nóng, khói trực tiếp trong thời gian kéo dài. Thời gian tiếp xúc cũng rất quan trọng, càng lâu thì càng tiếp xúc nhiều, yếu tố khác có ảnh hướng như ngược hay xuôi chiều gió... Do vậy, bác sĩ Nguyên cho rằng, những người ở xa không hít hơi nóng, hay khói thì nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân thấp hơn nên người dân không cần quá hoang mang. Không nhất thiết tất cả phải đi khám, làm xét nghiệm gây tốn kém, không cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế đều có thể khám, lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm thuỷ ngân, không nên dồn đến Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai).

Theo BS Nguyên, không có cách nào thải độc thuỷ ngân được tại nhà. Việc này phải được các cơ sở y tế thực hiện với các loại thuốc đặc hiệu. Việc điều trị, thứ nhất là điều trị triệu chứng tức là biểu hiện ngộ độc ở đâu sẽ điều trị tại đó trước. Bệnh nhân nếu có triệu chứng suy hô hấp thì phải điều trị hô hấp trước, hay đau đầu, khó thở... Thứ hai là điều trị bằng thuốc giải độc, các bác sỹ sẽ dùng thuốc giải độc để “gắp” thủy ngân ra khỏi cơ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan, nhưng đừng quá hoang mang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO