Không chủ quan với Covid-19 trong dịp Tết

LÊ PHƯƠNG 08/01/2023 08:10

Trước chính sách mở cửa của các nước đúng thời điểm Tết Nguyên đán của Việt Nam, Bộ Y tế nhận định số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng, vì thế người dân vẫn cần cẩn trọng để phòng tránh. Đặc biệt, sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại TPHCM, Tây Ninh là điều cần lưu ý.

Cần tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch.

Cảnh giác với những biến thể phụ

Nhận định về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM dự báo thời gian tới, do sự gia tăng giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết nên việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi.

Theo bà Như, sự xuất hiện biến thể mới của Omicron không ngoài dự báo của các nhà khoa học. Qua hệ thống giám sát tại bệnh viện và cộng đồng, TPHCM đã phát hiện biến thể XBB. Tuy nhiên, theo kết quả thì biến thể chiếm ưu thế hiện nay tại TPHCM là biến thể BA.2.75. Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TPHCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.

Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.

“Thời gian tới, do sự gia tăng giao lưu, đi lại của người dân trong dịp Tết nên việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi. Việc quan trọng là cần tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ cơ thể, tránh bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong do biến thể mới của Omicron”, bà Như thông tin.

Trong khi đó, theo WHO, đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt và vẫn ghi nhận những biến thể mới. Virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 đã liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng, biến thể mới. Đến nay, trên 500 biến thể khác nhau đã được ghi nhận.

Hiện biến thể Omicron là biến thể chủ đạo của các trường hợp mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ. Liên quan đến biến thể phụ XBB.1.5, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, khuyến cáo tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 đối với Việt Nam. Theo vị chuyên gia này, bất cứ nơi nào có Covid-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm.

Kể từ tháng 6/2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ biến thể Omicron, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB - là biến thể tái tổ hợp - được kết hợp từ hai biến thể phụ khác của Omicron.

Biến thể XBB và các biến thể phụ của nó đã được phát hiện tại hơn 10 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới.

“Dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác. Đây là một thông tin đáng lo ngại”, TS Angela Pratt bày tỏ.

Trong thời điểm hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và Covid-19 nói chung.

Đó là, đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên. Người lớn và trẻ em hãy đảm bảo rằng mình đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.

Vẫn có nguy cơ “dịch chồng dịch”

Để phòng tránh bị mắc Covid-19 khi chính sách mở cửa của các nước đã và đang áp dụng, số trường hợp mắc Covid-19 từ nước ngoài vào nước ta sẽ gia tăng, Bộ Y tế đưa ra nhiều khuyến cáo cần thiết. Theo ông Nguyễn Lương Tâm - Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), miễn dịch (do mắc bệnh hoặc tiêm chủng) giảm dần theo thời gian, trong khi đó virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, né tránh miễn dịch. Do đó, diễn tiến dịch thời gian tới chưa ổn định và khó dự đoán. Đặc biệt, đại diện Bộ Y tế nói hiện là giai đoạn giao mùa đông xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, có thể dẫn đến "dịch chồng dịch".

Một yếu tố khác thúc đẩy số ca Covid-19 tăng là dịp Tết đang tới gần, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, các lễ hội đầu năm. Trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền sẽ là nhóm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Đánh giá về biến thể phụ XBB của Omicron vừa ghi nhận tại TPHCM, ông Tâm nói các biến chủng phụ có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng vaccine hiện tại vẫn có thể dự phòng chuyển bệnh nặng, tử vong. "Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, tiêm chủng vaccine đủ liều, đúng lịch", ông Tâm khuyến nghị.

Các địa phương tiếp tục thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao. Các cơ sở y tế đảm bảo công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân, chuẩn bị sẵn sàng tình huống ca mắc tăng cao.

Tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch để được bảo vệ

Theo TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn “quản lý bền vững” dịch Covid-19 và đã thực hiện rất tốt việc cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ hệ thống y tế. Mặc dù Covid-19 vẫn đang lưu hành ở Việt Nam, nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bệnh viện và dịch vụ y tế bị quá tải do các ca mắc Covid-19.

TS Angela Pratt nhấn mạnh: Mỗi cá nhân cần tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm: người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu.

Trong những tuần tới và đặc biệt là trong thời gian Tết Nguyên đán, chúng ta cần đảm bảo rằng cả người lớn và trẻ em đều được bảo vệ, hệ thống y tế có thể tiếp tục hoạt động tốt và nền kinh tế và xã hội có thể tiếp tục mở.

“Chúng tôi khuyến khích mọi người cảnh giác để giữ sức khỏe và an toàn bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở những nơi đông người và trong không gian kín và tất cả mọi người đủ điều kiện đều được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, bao gồm cả liều tiêm nhắc lại”, TS Angela Pratt khuyến cáo.

Được biết, Việt Nam đã tiêm gần 266 triệu liều vaccine, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tương ứng 80,2% và 86,9%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với Covid-19 trong dịp Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO