Không chủ quan với sốt xuất huyết ở người lớn

THANH GIANG 26/10/2022 07:18

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (SXH) là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp, điều trị kịp thời.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tăng cao

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, mùa dịch năm nay, tỷ lệ bệnh nhân SXH Dengue nhập viện điều trị và số ca nặng cũng tăng so với cùng kỳ các năm trước đây. Do vậy nên khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thường nhận những ca SXH nặng hoặc rất nặng. Nhiều trường hợp phải can thiệp hỗ trợ thở máy xâm lấn, lọc máu, thay huyết tương.

Điển hình, một phụ nữ mang thai 12 tuần mới đây đã nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng sốc SXH Dengue. Ngay tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân được điều trị chống sốc tích cực. Do bệnh nhân đang mang thai nên Bệnh viện phải kết hợp với Bệnh viện Từ Dũ nhằm bổ sung các biện pháp dưỡng thai vì bệnh nhân có dấu hiệu dọa sinh non.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận và cấp cứu thành công một bệnh nhân sốc SXH Dengue biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhân nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, mạch nhẹ khó bắt, nhịp tim 203 lần/phút, nhịp thở 30, đo SPO2 88%,... Sau khi thăm khám nhanh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có nhịp nhanh kịch phát trên thất, sốc tim, SXH Dengue.

TS. BS Nguyễn Thị Cẩm Hường - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho hay, SXH ở bệnh nhân thường thì khi tái khám bác sĩ sẽ phát hiện được những dấu hiệu nặng. Tuy nhiên, những bệnh nhân có thể chuyển nặng như người lớn béo phì, thừa cân, bệnh lý tim mạch, bệnh nền mãn tính, phụ nữ có thai, người lớn tuổi cần phải lưu ý tái khám đúng hẹn và thường được nhập viện để được theo dõi bệnh.

Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 37.950 trường hợp mắc SXH. Trong đó có 11.000 ca nhập viện (2.000 ca trẻ em, 9.000 ca người lớn) có 1.756 ca nặng. Theo HCDC, tính đến tuần 42 (từ ngày 10-16/10), thành phố ghi nhận 66.699 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca SXH nặng là 1.477 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2,2%, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tuần 42, thành phố ghi nhận thêm 1.999 ca SXH, giảm 23,4% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 35,1% và ngoại trú giảm 13,1%. Tuy nhiên, trong trong tuần 42 lại ghi nhận, 3 trường hợp tử vong do SXH tại quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức. Như vậy, từ đầu năm đến nay tổng số ca bệnh nhân mắc SXH tử vong là 29 trường hợp, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

“Hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời” - đại diện HCDC thông tin.

Nhiều giải pháp điều trị kịp thời

Liên quan đến bệnh SXH, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM quan ngại, số ca mắc SXH tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Hiện số ca mắc bệnh này cũng đang ở mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, Sở đã họp bàn nhiều lần nhằm đưa ra các giải pháp hạn chế số SXH tử vong, song con số tử vong vẫn tăng lên hàng tháng.

Trước diễn biến phức tạp của SXH, TPHCM thành lập tổ chuyên gia điều trị, trong đó có nhóm điều trị SXH ở trẻ em và người lớn. Ngoài ra, thành phố còn phân bệnh nhân SXH thành 3 tầng điều trị. Tầng 1 - tầng thấp nhất điều trị SXH là các trạm y tế, phòng khám tư nhân, phòng khám của trung tâm y tế. Tầng 1 chuẩn đoán đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ khi đến khám. Tầng 2 là các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực,... điều trị bệnh lý nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời sớm chuyển bệnh lên tầng trên nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị. Tầng 3 chịu trách nhiệm điều trị ca nặng do tầng 1 và tầng 2 chuyển lên.

Cùng với đó, các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải kích hoạt báo động đỏ khi có ca mắc SXH Dengue nặng. Đây là yêu cầu mới nhất của Sở Y tế TPHCM với các cơ sở y tế trên địa bàn, nhằm kịp thời cứu sống người mắc SXH Dengue trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ tử vong. Theo yêu cầu, khi có người bệnh sốt xuát huyết trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, các cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình thực hiện báo động đỏ đối với người bệnh nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán SXH kịp thời, tránh những biến chứng của SXH như sốc, suy đa tạng, chảy máu… Trong quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện. Đối với bệnh SXH khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng. Người dân cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ mùng, tránh những nơi có muỗi… để phòng bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với sốt xuất huyết ở người lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO