Không có khả năng làm diễn viên cũng đi thi 'tài năng trẻ'

Duy Hưng 01/06/2017 08:37

“Có những tiết mục làm Ban giám khảo giật mình vì sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thí sinh. Nhưng cũng có những thí sinh không thấy khả năng làm diễn viên chứ chưa nói đến tài năng”, đại diện Hội đồng giám khảo nhận xét.

Niềm vui của các diễn viên được giải cao.

Sau 5 ngày đua tài, tối ngày 31/5, tại Nhà văn hóa Trung tâm 3-2 (TP Nam Định”, Cuộc thi “Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017” đã khép lại với việc Ban tổ chức trao 5 Huy chương Vàng, 11 Huy chương bạc cho các thí sinh tham dự...

Các thí sinh đoạt Huy chương Vàng, gồm: Nguyễn Thị Kim Dung (Nhà hát kịch nói Quân đội, vai Diệu trong trích đoạn vở “Thời con gái đã xa”); Nguyễn Thanh Hương (Nhà hát kịch Hà Nội, vai Đát Kỷ, trong trích đoạn vở “Khát vọng Đát Kỷ”); Đào Chí Nhân (Nhà hát kịch Hà Nội, vai Hamlet trong trích đoạn vở “Hamlet”); Vũ Hồng Lê (Nhà hát Kịch nói Công an nhân dân, vai Đát Kỷ, trong trích đoạn vở “Khát vọng Đát Kỷ”); Nguyễn Thị Duyên (Nhà hát kịch Việt Nam, vai Mê Mê trong trích đoạn vở “Mê Mê”).

Nhận xét về chất lượng nghệ thuật của Cuộc thi, thay mặt Hội đồng giám khảo, NSND Hoàng Dũng đánh giá “Ưu điểm của các tiết mục tham gia là phong phú về đề tài, gồm cổ điển nước ngoài, dân gian lịch sử Việt Nam, chiến tranh, hậu chiến và rất nhiều tiết mục phản ánh cuộc sống ngày nay, mỗi người một vẻ, gúp Cuộc thi trở nên hấp dẫn, nhiều màu sắc”.

Ông cũng đánh giá cao việc nhiều diễn viên trẻ đã chủ động trong các bài thi, tự biên tập, dàn dựng, tự lo kinh phí, đầu tư trang phục, đạo cụ. Nhiều diễn viên đã biết kết hợp nghệ thuật truyền thống trong bài thi của mình một cách sáng tạo, hiệu quả.

“Nhiều trích đoạn thấy diễn viên khai thác tâm lý nhân vật rất kỹ, bộc lộ được đầy đủ, hấp dẫn các trạng thái tâm lý của nhân vật. Sự kết hợp giữa tâm lý nhân vật với tiếng nói và xử lý hình thể trong nhiều tiết mục đã cho thấy sự toàn năng của nghệ sỹ trẻ. Nhiều diễn viên đã cho thấy bản lĩnh vững vàng, sự điều tiết cảm xúc chính xác, chừng mực. Khoảng lặng trong diễn xuất ở một số trích đoạn đã được diễn viên xử lý rất đắt”, ông nói.

Họ được thế hệ đi trước kỳ vọng “Sẽ nắm vận mệnh sân khấu kịch nói của nước nhà”.

NSND Hoàng Dũng cũng nhìn nhận đây là Cuộc thi các đề tài mang tính truyền thống được các thí sinh đặc biệt đề cao. Có tiết mục hài rất hiệu quả, mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả, chứng tỏ được sự duyên dáng của diễn viên.

“Có những tiết mục làm cho Ban giám khảo, trong đó có tôi giật mình vì sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các bạn mà khi còn trẻ như các bạn chúng tôi chưa làm được”, NSND Hoàng Dũng chia sẻ và bày tỏ sự tin tưởng: “Chắc chắn các bạn sẽ là những người sẽ thay chúng tôi nắm lấy vận mệnh sân khấu kịch nói của nước nhà”.

Bên cạnh những mặt tích cực, theo NSND Hoàng Dũng Cuộc thi cũng bộc lộ ra nhiều nhược điểm. “Nhiều nghệ sỹ trẻ chọn trích đoạn tham gia thi chưa hay, ít đất diễn; chọn trích đoạn chưa thật phù hợp với năng lực, sở trường nên chưa bộc lộ hết khả năng. Nhiều trích đoạn không được luyện tập kỹ, không có bàn tay dàn dựng của đạo diễn. Ngược lại nhiều tiết mục thấy bàn tay của đạo diễn quá nhiều và làm khó cho diễn viên thể hiện, thậm chí còn làm bộc lộ nhược điểm của diễn viên”, ông nhận xét.

Đáng nói là, theo NSND Hoàng Dũng: “Có những thí sinh tham gia dự thi còn không thấy khả năng làm diễn viên chứ nói gì đến tài năng”.

Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017” (khai mạc tối ngày 26/5) có 37 diễn viên đến từ 7 đơn vị nghệ thuật trong cả nước (Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Đoàn Kịch nói Nam Định, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Lam Sơn Thanh Hoá” tham dự. Các thí sinh tham gia biểu diễn tổng cộng 35 tiết mục kịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có khả năng làm diễn viên cũng đi thi 'tài năng trẻ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO