Không đề nghị cấm sóng nghệ sĩ vi phạm

Minh Quân 29/10/2021 06:15

Ngày 28/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thường kỳ quý 3/2021. Tại buổi họp báo, những khúc mắc thời gian qua đã được đại diện các cơ quan quản lý giải đáp.

Quy định và quyền lợi với nghệ sĩ

Tại họp báo, liên quan đến đề xuất dừng chiếu phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, thời gian qua đã có nhiều ý kiến về việc có hay không việc dừng cấp phép phim có những nghệ sĩ vi phạm đạo đức tham gia? Một bộ phim có sự đóng góp của nhiều người, để có quyết định dùng bộ phim đó hay không thì phải có những đánh giá cẩn trọng trên cơ sở sự cống hiến của những nghệ sĩ khác nữa.

Bà Dung cho biết thêm, điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp. Khi sáng tạo nghệ thuật, chúng ta phải tuân thủ theo quy đinh pháp luật hiện hành. Chúng ta chưa thể nói việc dừng hay không dừng chiếu phim mà tuỳ theo một bộ phim cụ thể chúng ra sẽ xem xét cụ thể, nghệ sĩ đó đã vi phạm gì, đã cống hiến gì chứ không thể võ đoán theo một mẫu số chung nào đó.

Còn về Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ gây xôn xao dư luận thời gian qua, trả lời báo chí, ông Trần Hướng Dương, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Bộ quy tắc ứng xử này quy định chung với người làm nghệ thuật, kể cả những đơn vị của nhà nước và những người hoạt động tự do bao gồm cả những người làm mỹ thuật, nhiếp ảnh chứ không chỉ những người biểu diễn. Quá trình xây dựng Bộ quy tắc rất vất vả, vì đó là một cái khung nguyên tắc chung cho người làm nghệ thuật, và chúng tôi cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Đơn cử như có nên xây dựng Bộ quy tắc này không? Sao trước đây không làm mà giờ mới làm?

Về những tranh cãi khi có quy định việc nghệ sĩ vi phạm sẽ bị cấm sóng, ông Dương lý giải, trong dự thảo của Bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ không có từ nào là “cấm sóng” cả. Nguyên văn là, đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, phát hiện biểu dương tôn vinh những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả thực hiện Bộ quy tắc, phê phán hành vi lệch chuẩn, cân nhắc sử dụng hình ảnh người hoạt động nghệ thuật không thực hiện đúng nội quy ứng xử.

Còn với câu chuyện Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc “bỏ quên” các nghệ sĩ ở TP HCM, ông Dương cũng khẳng định, chúng tôi không bỏ lại ai phía sau. Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 3 năm được tổ chức 1 lần, đây mà một sân chơi thường niên, chuyên nghiệp, và do dịch Covid-19 nên nhiều sân khấu phía Nam gặp khó khăn. Mới đây, chúng tôi có nhận được văn bản của Hội nghệ sĩ Sân khấu TP HCM đề xuất xin tổ chức Liên hoan Kịch nói đợt 2. Ngày 26/10, Sở Văn hoá, Thể thao TP HCM có họp với Hội nghệ sĩ Sân khấu TP HCM để bàn về vấn đề này.

“Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM Thanh Thuý mới đây đã ký văn bản xin lùi Liên hoan vào tháng 3 và 4/2022, chúng tôi thường xuyên quan tâm, trao đổi với các đơn vị phía Nam về việc này. Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện hết sức cho các đoàn nghệ thuật. Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để cân nhắc, cuối tuần này chúng tôi sẽ có thông tin tới báo chí” - ông Dương nói.

Diễn viên Angela Phương Trinh, ca sĩ Duy Mạnh hay cựu người mẫu Trang Trần đều đã từng bị xử phạt về hành vi sai trên mạng xã hội.

Hỗ trợ phục hồi ngành du lịch

Liên quan đến việc thử nghiệm đón khách du lịch đến Phú Quốc, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, các chuyên gia về mở cửa du lịch quốc tế. Phương châm mở cửa du lịch quốc tế là “An toàn là trên hết”.

Tính tới thời điểm này, Phú Quốc đã phủ 100% vaccine mũi 1, đang tiếp tục tiêm mũi 2 để đảm bảo an toàn. Phú Quốc sẽ lựa chọn các điểm đến an toàn trên địa bàn để đón khách. Địa phương cũng phối hợp với cơ quan chức năng để có phương án phòng, chống dịch. Trong trường hợp ca dương tính phát sinh trong quá trình đón khách sẽ được xử lý, điều trị ngay tại địa bàn tỉnh Kiên Giang. Liên quan tới đề xuất đón khách quốc tế của nhiều địa phương khác, ông Thủy cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 1 đón khách ở Phú Quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và địa phương sẽ đánh giá rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo nhằm mở rộng địa bàn đón khách quốc tế tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam)...

Về vấn đề hỗ trợ các hướng dẫn viên du lịch, theo ông Thuỷ, quá trình này hiện vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Khi có khó khăn vướng mắc đối với hướng dẫn viên du lịch các cơ quan quản lý sẽ tiếp cận để hỗ trợ. Tổng cục Du lịch đã làm việc với cơ quan chức năng chuyên môn và thông tin của các địa phương, từ đó báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung. Tất cả để hướng dẫn viên được tiếp cận gói hỗ trợ tốt nhất. Đến thời điểm này đã hỗ trợ được trên 34 nghìn tỷ.

Với việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, nếu đánh giá đúng và đủ, đối với doanh nghiệp du lịch và người lao động trong các công ty du lịch, do đại dịch đã xảy ra hai vấn đề. Một chuyển đổi thích ứng, đáp ứng nhu cầu dân sinh, mưu sinh. Hai là nghỉ không cơ việc và chờ mở cửa. “Chúng tôi cơ quan quản lý nhà nước về du lịch rất cảm ơn các doanh nghiệp du lịch, trong lúc khó khăn vẫn luôn đồng hành với Tổng cục Du lịch. Chúng ta hiện đã có Nghị quyết 105 của Chính phủ hướng dẫn việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Trong quá trình thực hiện Tổng cục Du lịch cũng đã mạnh dạn đề xuất phương án, báo cáo lãnh đạo Bộ và các cấp có thẩm quyền triển khai các nội dung, hướng dẫn doanh nghiệp. Mới đây nhất là để xuất giảm 80% tiền chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp” - ông Thủy nói.

SEA Games 31 sẽ lùi sang quý 2/2022

Cũng tại buổi họp báo, xung quanh kế hoạch tổ chức SEA Games 31, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Danh Hoàng Việt cho biết: SEA Games 31 sẽ lùi sang quý 2/2022. Và, Tổng cục Thể dục thể thao đang xây dựng phương án tổ chức SEA Games dự kiến vào khoảng trung tuần tháng 5/2022.

“Thực tế, lịch thi đấu quốc tế năm 2022 khá dày đặc. Chúng ta phải dựa vào lịch thi đấu của các giải đấu khác và đặc biệt là các nước Đông Nam Á tham dự Đại hội. Chính vì thế, thời điểm trung tuần tháng 5 là phù hợp nhất để diễn ra SEA Games 31. Với tình hình dịch Covid-19 như hiện tại, chúng ta vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Ban tổ chức đã bàn bạc rất nhiều, theo đó dựa trên cách tổ chức Olympic Tokyo 2020 để làm cơ sở. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, cơ sở vật chất của Việt Nam rất khó để đáp ứng được. Cách đây hơn 1 tuần, chúng tôi đã làm việc với Bộ Y tế để cùng xây dựng, chuẩn bị các kịch bản, các cấp phòng dịch liên quan đến SEA Games 31. Sau khi có ý kiến từ Bộ Y tế, chúng tôi sẽ trình kế hoạch tổ chức SEA Games lên Chính phủ phê duyệt.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Thể dục thể thao đã làm việc với Bộ tài chính. Về cơ bản thống nhất việc giải ngân một phần kinh phí để triển khai một số công việc liên quan đến kế hoạch tổ chức SEA Games 31” - theo ông Việt.

Hoàng Minh(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đề nghị cấm sóng nghệ sĩ vi phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO