Không gỡ thủ tục ‘trên bàn giấy’

H.Vũ 02/07/2020 10:00

Mặc dù có những thuận lợi, thời cơ mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu  (EVFTA) mang lại song những thách thức cũng không hề nhỏ.

Thủ tục phức tạp gia tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam vẫn than phiền, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Bởi mỗi lần lấy C/O là cả một thách thức không hề dễ dàng. Nhiều khi mất cả tháng mới lấy được tờ giấy chứng nhận xuất xứ, đồng nghĩa với việc mất cơ hội làm ăn với đối tác. Vì thế nếu không giải quyết được vướng mắc về C/O thì DN khó có thể tham gia được các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP.

Những rào cản về thủ tục hành chính không chỉ đến với các DN logistics mà các DN trong ngành thủy sản cũng gặp phải rào cản các quy định về cơ chế. “Có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam khi tham gia EVFTA, song tận dụng được hay không phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của DN. Thời gian qua, các DN thủy sản đã rất khó khăn khi gặp phải quy định về sơ chế, chế biến”- theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP). Vẫn theo ông Nam, quy trình sơ chế, chế biến hải sản lại còn phải qua 16 bước, song nhà quản lý đang áp quy định về sơ chế với mức thuế 20%, đây là mức quá cao và quá khắt khe gây khó khăn lớn cho DN thủy sản.

Ngay bản thân trong việc hưởng hỗ trợ do đại dịch Covid-19 cũng cho thấy còn có những rào cản về chính sách, khi quá ít DN dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ. Theo thống kê chỉ 133/3.143 DN, chiếm 3,6% tổng DN được khảo sát đã tiếp nhận được các chính sách hỗ trợ, hay việc khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng. Ngoài ra, quy định hoãn đóng bảo hiểm xã hội hiện chưa hợp lý, người lao động không được hỗ trợ hiệu quả, trong bối cảnh Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động bị buộc thôi việc do Covid-19 nhưng rất khó tiếp cận do thủ tục quá rườm rà.

Thực tế trên đã cho thấy, muốn DN tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới thì vấn đề rào cản về thủ tục hành chính cần phải được tháo gỡ trên thực tế, thay vì chỉ “gỡ trên bàn giấy”.

Vậy làm sao để tháo gỡ các thủ tục hành chính? Theo ông Trần Văn Lâm- Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội việc làm đầu tiên là phải cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ liên quan trực tiếp đến thực thi các hiệp định. Đặc biệt bộ máy hành chính ở chính quyền các cấp cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong các Hiệp định thương mại CPTPP, hoặc EVFTA có một số quy định yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải tháo gỡ những rào cản trong giao dịch thương mại, hàng hóa để tạo thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên tháo gỡ rào cản như thế nào cần có bộ phận nghiên cứu chặt chẽ về những quy định hiện hành để đánh giá xem những quy định nào chưa đạt được yêu cầu của hiệp định để từ đó tháo gỡ. “Nhiều DN nước ngoài than phiền rằng thủ tục hành chính của Việt Nam phiền toái, tạo ra tham nhũng. Những cái đó đều đúng, nhưng có lẽ chúng ta phải đi đến những vấn đề chi tiết xem thủ tục nào về vấn đề hải quan, khai báo, hay xin giấy phép; Chỗ nào đang tạo ra rào cản cho việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Nó giống như các DN nhỏ hiện nay chưa biết làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của các hiệp định vì hướng dẫn vẫn chung chung. Chúng ta phải rà soát lại xem những thủ tục hành chính nào hiện tại DN đang vướng mắc, phản ánh, tạo ra rào cản để sửa đổi, cắt giảm. Có như vậy mới tháo gỡ được”- ông Hiếu nói.

Từ đầu năm tới nay đã có 239 điều kiện kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm lến đến 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh. Đặc biệt đã cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính cần được cải thiện hơn nữa khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không gỡ thủ tục ‘trên bàn giấy’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO