Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là Hiệp định có tác động mạnh nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam, hơn cả CPTPP. Với EVFTA, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt sẽ phải phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh. Khi đó, DN Việt sẽ đứng trước tình thế: Tăng trưởng hay bị thôn tính?
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu”, do Bộ Công thương tổ chức sáng 24/12, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU năm 2019 tăng 13,6 lần. Các quốc gia Đức, Anh, Pháp là những thị trường logistics lớn nhất ở EU, do quy mô nền kinh tế, mật độ dân số, cơ sở hạ tầng và chức năng cửa ngõ.
Hiện Việt Nam đang có 1.500 DN cung cấp dịch vụ logictics. Từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu cụ thể cho ngành logictics là đưa Việt Nam trở thành trung tâm logictics của khu vực vào năm 2025. Kế hoạch này đã và đang được hiện thực hóa với rất nhiều nỗ lực như thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục hải quan và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong các dự án cơ sở hạ tầng. Với EVFTA, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tác động tích cực đến triển vọng thị trường và phát triển ngành logictics.
Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành dịch vụ logistics Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU đầy tiềm năng với 512 triệu dân.
Bên cạnh các cơ hội và tiềm năng, DN logistics cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ EVFTA.Chúng ta biết rõ, DN logistics chủ yếu là DN nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu trong khi EU vốn rất mạnh về logictics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần lớn trên thế giới. ‘Để đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu về logictics theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, đồng thời nắm lấy cơ hội phát triển, sớm trở thành trung tâm logictics của khu vực, DN logictics Việt Nam cần được đầu tư bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh trên nhiều khía cạnh, đột phá về công nghệ, nguồn lực, nâng cao kỹ năng quản lý” – ông Linh nhấn mạnh.
Nói về những thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh cho biết: tham gia EVFTA, giống như hầu hết các ngành khác khi Việt Nam mở cửa, DN logistics Việt Nam đối diện với sức ép cạnh tranh mới từ các DN EU. Các chủ DN sẽ đứng trước câu hỏi: Chấp nhận cạnh tranh để tăng trưởng hay sẽ bị thôn tính? Theo ông Cường, không có giải pháp chung cho tất cả các DN mà mỗi một DN đều phải tự quyết định, có chiến lược gắn với số mệnh của chính mình. Mặc dù vậy, vị này cũng khẳng định: DN Việt không cần phải quá lo lắng vì ngành logistics chỉ cam kết mở cửa 51% chứ không phải 100%, như vậy nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần nguồn lực từ Việt Nam, do đó nguy cơ bị thôn tính là không lớn. Song, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hội nhập vẫn đòi hỏi các DN phải nâng sức cạnh tranh, không chỉ riêng đối với ngành logistics, do đó, các DN cần đầu tư hạ tầng và công nghệ, cải tiến nâng cao khả năng lực quản trị, cũng như kỹ năng quản lý và chăm sóc khách hàng. Và một trong những yếu tố cần thiết đối với các DN là cần phải chủ động liên kết, tăng quy mô các hãng tàu để có thể tăng sức cạnh tranh.
Tuy nhiên cũng theo ông Cường, cơ hội sẽ có nhiều, nhất là đối với người lao động. Người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm, thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; tăng thu nhập và phúc lợi. Đặc biệt, đối với nền kinh tế nước ta, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, cùng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến trong lĩnh vực logistics sẽ gia tăng.