Ông Lê Duy Nghiệp – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, chi phí logistics đang chiếm khoảng 16% GDP. Một số mặt hàng phải gánh chi phí logistics khá cao. Đơn cử, gạo là 28.80%, rau củ quả 29.50%, mỹ nghệ 22.8%, đồ uống 19.80%,… Đây chính là một trong những “rào cản” lớn đối với hoạt động thương mại của doanh nghiệp.
Chi phí logistics cao làm giảm lợi nhuận thương mại.
Chi phí logistics cao
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường khá tốt, kể cả việc thâm nhập vào thị trường các nước. Tuy nhiên, điểm yếu về logistics đang trở thành “rào cản” lớn hạn chế đối với hoạt động thương mại của doanh nghiệp. Trong đó, vận tải nội địa đang tồn tại nhiều yếu điểm. Cụ thể, vận tải đường bộ, đường sắt lạc hậu, hiệu quả thấp; đường biển, đường hàng không chi phí cao. “Chuyển hàng hóa từ Cần Thơ lên TP HCM mất 27 loại phí, trong đó có cả phí chính thức và phí không chính thức. Nếu cứ tồn tại tình trạng này doanh nghiệp không phát triển nổi”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, trong tổng chi phí logistics thì phí vận tải chiếm hơn 50%. Ông Lê Duy Nghiệp cho hay, chi phí logistics đang chiếm khoảng 16% GDP. Chi phí logistics của mặt hàng gạo là 28.80%, rau củ quả 29.50%, mỹ nghệ 22.8%, đồ uống 19.80%,… Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam chỉ rõ, do chi phí logistics cao nên chỉ số đánh giá thành phần của logistics Việt Nam trong năm 2018 không cao. Điển hình, điểm số cơ sở hạ tầng đạt 3.01, xếp hạng 47 trên tổng số hơn 100 quốc gia. Năng lực và chất lượng dịch vụ đạt 3.40, xếp hạng 33. Ông Lê Duy Nghiệp dẫn chứng thêm, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics khá cao, cụ thể: thuê vận tải quốc tế chiến 80%, môi giới bảo hiểm chiếm 72,7%, kho ngoại quan 70%.
Không chỉ khâu vận chuyển hàng hóa khó khăn vì chi phí cao, vấn đề mặt bằng dành cho hoạt động thương mại cũng vướng. Theo Sở Công thương TP HCM , đến năm 2025 thành phố có 268 siêu thị, 5.000 cửa hàng tiện ích,… Tuy nhiên, muốn phát triển được kế hoạch trên thành phố cần khoảng 1,85 triệu m2 đất. Thế nhưng điều kiện hạ tầng phát triển khá hạn chế. Chưa hết, mỗi năm thành phố có khoảng 600 hội chợ, triển lãm, song các địa điểm tổ chức lại không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Thành phố đang có một trung tâm triển lãm thương mại lớn ở quận 7.
Xây dựng trung tâm logistics
Ông Vũ Trung Hưng - đại điện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho biết, TP HCM nằm giữa vùng Đông - Tây Nam bộ, trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu trọng yếu của cả phía Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố đạt 85,2 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Khối lượng vận chuyển của thành phố chiếm trên 40% vùng và gần 10% cả nước; đóng góp 34-35% cơ cấu doanh thu vận tải kho bãi cả nước (doanh nghiệp nội địa chiếm gần 83% doanh thu). Tuy nhiên, thành phố chưa có Trung tâm logistics đáp ứng tốt yêu cầu thị trường.
Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam nhận định, dịch vụ logistics tốt giúp tạo thuận lợi thương mại, thu hút vốn đầu tư, tăng cường liên kết vùng. Đặc biệt, logistics cải thiện chuỗi giá trị, bao gồm: thời gian, giá thành, chất lượng. Riêng TP HCM là một trong những địa phương dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cao, cửa ngõ trọng yếu trong vận chuyển hàng hóa đi quốc tế.
Lý giải nguyên nhân ngành logistics chưa có sự bứt phá để phát triển, nhiều ý kiến khẳng định, đầu tư chưa nhiều, chưa xứng tầm. Trong đó, hạn chế về khả năng tài chính và trình độ quản trị doanh nghiệp là rào cản lớn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cả nhà sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý cần bắt tay thực hiện. Nhà sử dụng dịch vụ logistics cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời tăng tỷ lệ thuê ngoài logistics để chuyên môn hóa, giảm hao hụt. Về phía nhà cung cấp dịch vụ phải tạo chuỗi dịch vụ giúp khách hàng giảm chi phí, thời gian, đồng thời phát triển dịch vụ logistics nội địa và logistics thương mại điện tử xuyên biên giới. Với cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng quy hoạch và đầu tư mạng lưới hạ tầng logistics, đặc biệt là hạ tầng vận tải thủy nội địa. Có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics.
* TP HCM đang tập trung thực hiện đề án phát triển ngành logistics đến 2025 định hướng 2030. Theo kế hoạch sẽ thành lập 3 trung tâm logistics để kết nối lưu thông hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh thành. 2 trung tâm hạng 2 (phía Bắc và phía Nam thành phố) quy mô 110 ha nhằm kết nối với các cảng cạn, cảng biển, nhà ga, bến xe, khu công nghiệp. Ngoài ra còn có 1 trung tâm hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Long Thành hoặc có đường giao thông thuận lợi kết nối trực tiếp đến càng hàng không với quy mô tối thiểu là 10 - 18 ha.