Không thể nhân nhượng

Lê Anh Đức 28/03/2020 07:00

Mới đây, UBND quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nữ du học sinh trốn cách ly phòng chống lây lan Covid-19 để sang Anh. Theo đó, cơ quan chức năng đã phạt V.T.H (25 tuổi, ở phường Sài Đồng) 10 triệu đồng (kịch khung theo Nghị định 176) cho hành vi thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Đây là trường hợp đầu tiên trên toàn quốc bị phạt hành chính vì có hành vi trốn cách ly, gây nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Trước đó, rất nhiều người trốn cách ly, khai báo gian dối, thậm chí cử người đi cách ly thay mà không ai bị làm sao cả.

Không thể nhân nhượng

Kiểm tra gắt gao là biện pháp quan trọng để phòng chống Covid-19.

Việc UBND quận Long Biên xử phạt nữ du học sinh 10 triệu đồng đã nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội. Song, một số ý kiến cho rằng, mức xử phạt như vậy là vẫn nhẹ, không đủ sức răn đe với người vi phạm và không có tác dụng phòng ngừa đối với những người khác. Băn khoăn lo ngại trên không phải là không có lý, bởi với một người đã có khả năng du học tại Anh (dù có nhận được học bổng toàn phần), thì việc phạt hành chính 10 triệu đồng chỉ như “muỗi đốt inox”. Khi mà số tiền phải bỏ ra trả giá cho hành vi vô trách nhiệm của bản thân chẳng thấm vào đâu thì liệu người ta có biết sợ?

Nói thì nói vậy thôi, chứ cũng không thể làm khác hơn được, bởi quy định pháp luật hiện hành chỉ đến mức ấy. Việc UBND quận Long Biên ra quyết định phạt “kịch khung” cũng đã thể hiện quan điểm cương quyết đối với hành vi vi phạm của nữ du học sinh. Do vậy, nếu muốn phạt người trốn cách ly ở mức cao hơn để tăng tính răn đe thì cần phải sửa hành lang pháp lý hiện hành. Đó là lý do mà nhiều ý kiến đã đề nghị Chính phủ cần xem xét, kịp thời sửa đổi, thậm chí ban hành quy định mới đủ sức răn đe đối với những hành vi vô ý thức trong phòng chống Covid-19, gây nguy hiểm cho xã hội.

Dù số tiền bị phạt có thể không “thấm” gì đối với nữ du học sinh ở quận Long Biên, song chí ít thì cô này cũng đã phải trả giá cho hành vi vô ý thức của mình. Còn nhan nhản những trường hợp khác có hành vi vi phạm nặng hơn nữ du học sinh rất nhiều nhưng có bị các cơ quan chức năng xử lý đâu. Đơn cử như trường hợp một vị giám đốc doanh nghiệp điện gió còn cả gan chỉ đạo cấp dưới đi cách ly thay mà cũng chưa bị “hỏi thăm”, một đồng cũng chưa mất. Như vậy thì liệu có ai biết sợ để không dám lặp lại hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng xã hội của ông giám đốc điện gió nói trên?

Hay như trường hợp thanh niên trốn cách ly ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) để đi chơi với người yêu, khiến hàng trăm con người bị cách ly, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Mới đây thôi, người nhà bệnh nhân số 35 đã tự ý phá khóa cửa sau trốn khỏi khu cách ly tập trung để về nhà mà cũng chẳng thấy ai bị xử phạt cả. Người xưa hay nói “đầu xuôi thì đuôi lọt”, khi đã có tiền lệ xấu mà không bị chế tài thì nhiều người khác sẽ theo đó mà noi gương. Và càng có nhiều người noi theo gương xấu, cụ thể ở đây là trốn cách ly, thì mọi nỗ lực khoanh vùng dập dịch của cơ quan chức năng cũng thành vô nghĩa.

Trường hợp của bệnh nhân số 34 có thể nói là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, khi để lây nhiễm Covid-19 cho 10 người khác. Nữ doanh nhân này đã có hành vi khai báo y tế gian dối khiến các cơ quan chức năng hết sức vất vả trong việc điều tra quá trình dịch tễ. Cũng chính vì hành vi không trung thực của nữ doanh nhân này mà lực lượng phòng chống dịch Covid-19 không thể kịp thời khoanh vùng, cách ly những người có liên quan, dẫn đến 10 người khác dương tính với SARS-CoV-2, hàng trăm người khác phải cách ly, gây lãng phí nhiều công sức, tiền bạc của Nhà nước.

Nhiều chuyên gia luật và luật sư cho rằng, hành vi của nữ doanh nhân trên đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Chiếu theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 240, nữ doanh nhân nói trên đã có hành vi gây lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Covid-19) cho người, bằng việc cố tình khai báo gian dối, không khai báo hết những người đã từng tiếp xúc. Theo quy định, người nào có hành vi nêu trên sẽ bị phạt 50-200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-5 năm. Đáng tiếc, đến giờ nữ doanh nhân này thậm chí còn chưa bị xử phạt hành chính.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, nếu không thực sự kiên quyết, siết chặt kỷ cương thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để mỗi cá nhân trong xã hội tự có ý thức thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, cần có các biện pháp mạnh tay xử lý những người cố tình vi phạm. Đã đến lúc không thể nhân nhượng với những hành vi vô ý thức, vô trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng xã hội, cần phải dùng “bàn tay thép” để chấn chỉnh, răn đe, nhằm phòng ngừa hành vi tương tự tái diễn. Chỉ có vậy mới có hy vọng chiến thắng đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể nhân nhượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO