Không thể rút kinh nghiệm mãi

Hoàng Mai 18/08/2016 08:30

Câu chuyện về “sợi dây trách nhiệm” vốn không phải mới ở xứ ta nhưng hôm 16/8 bỗng chốc lại được làm nóng thông qua một buổi thảo luận tại phiên họp của UBTVQH khóa XIV. Cũng từ chuyện sợi dây trách nhiệm này mới thấy, vấn đề trách nhiệm lâu nay được nói nhiều, nhắc nhiều nhưng hóa ra nó cứ lơ lửng khi có vấn đề bức xúc được đưa ra để quy trách nhiệm.

Lần này, hai từ trách nhiệm được nói đến trong một dự án cụ thể đó là hợp phần bồi thường, di dân tái định cư thuộc Dự án hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên-Huế). Một công trình vốn đã được cấp đủ kinh phí nay lại được đề xuất sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ cho một hợp phần đã được cấp kinh phí.

Nói về vấn đề liên quan đến cái hợp phần đền bù kéo dài tới 10 năm với nhiều hệ lụy này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-công nghệ và môi trường cho biết: “Qua tiếp xúc cử tri thấy bà con rất bức xúc liên tục kiến nghị về vấn đề này. Tuần vừa rồi tôi cùng lãnh đạo Quốc hội đi giám sát khu kinh tế các tỉnh miền trung và Formosa. Khi làm việc ở Huế tôi thấy bà con rất bức xúc cho nên cần rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Còn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì nói: “Chúng ta phải nghiêm túc, chứ không thể rút kinh nghiệm mãi. Chính phủ đã hứa là Chính phủ liêm chính vì thế phải nghiêm túc, bà con đang rất mong chờ. 10 năm người dân không có đất, tiền thì không được đền bù. Không thể để nợ dân chứ không thể cứ rút kinh nghiệm mãi mà không sửa”. Cuối phiên thảo luận về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thu hồi hơn 77 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ nhưng không sử dụng hết trong hợp phần xây dựng hồ Tả Trạch để bố trí cho hợp phần đền bù di dân, tái định cư. Đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế rút kinh nghiệm không để tái diễn các trường hợp tương tự.

Thực ra, vấn đề của hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án hồ chứa nước Tả Trạch chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ về sự tắc trách của cơ quan hữu quan trong các dự án, công trình liên quan mật thiết đến đời sống người dân.

Một ví dụ cụ thể, đó là câu chuyện xả thải của Formosa thời gian vừa qua. Rõ ràng, sau sự cố môi trường biển miền Trung, hàng loạt vụ việc chôn lấp chất thải của Formosa cũng được phát giác. Nó cho thấy một thực tế rõ ràng, Formosa có thể xả thải bừa bãi là nhờ sự tiếp tay của một số công ty Việt Nam vốn coi lợi nhuận là trên hết. Nhưng, cũng từ đây mới thấy, nếu các cơ quan hữu trách của địa phương vận hành tốt hệ thống giám sát, hệ thống kiểm định thì làm sao nhiều núi chất thải lại có thể ngang nhiên được chở ra bên ngoài để chôn lấp bừa bãi đến thế.

Đương nhiên, sau vụ việc này là động thái khởi tố vụ chôn lấp chất thải trái phép và yêu cầu 5 cơ quan kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật. Như thế cũng được coi là khá kịp thời, dù rằng sợi dây trách nhiệm rồi đây chưa biết sẽ xử lý thế nào? Kỷ luật đến đâu hay chỉ là giơ cao đánh khẽ mà thôi. Chỉ biết, cụm từ rút kinh nghiệm sâu sắc vốn đã trở thành quen thuộc với dân chúng và có lẽ đã được ghi trong từ điển của công bộc các cấp không phải chỉ vì nó được sử dụng thường xuyên. Quan trọng là bởi, sau rút kinh nghiệm sâu sắc người ta ít thấy có động thái tích cực nào khác hơn.

Ngay tại Thủ đô, vụ việc của nhà 8B Lê Trực, sau rút kinh nghiệm và động thái được đưa ra với các cán bộ liên quan đã khiến dư luận băn khoăn, kỷ luật kiểu ấy nên chăng? Và cho đến giờ, Thủ tướng đã dăm lần có công điện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà 8B Lê Trực nhưng dường như công trình này vẫn chưa xử lý được bao nhiêu sau khi rút kinh nghiệm khá nghiêm túc.

Vẫn biết, để có thể rút kinh nghiệm một cách sâu sắc và giám sát việc rút kinh nghiệm này, cần có cơ hội để cán bộ sửa sai và… bài học kinh nghiệm ấy cần áp dụng vào quá trình điều hành tiếp theo. Vẫn biết, rút kinh nghiệm dù sao cũng còn tốt hơn việc không rút kinh nghiệm mà đổ trách nhiệm vòng quanh.

Có lẽ vì lý do này mà, ngay trong phiên họp của TVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, liên quan đến người dân xung quanh đền bù giải phóng mặt bằng là Nhà nước phải lo, không thể để dân quá khổ. Nhất là, không để tình trạng, cứ xong rồi lại rút kinh nghiệm, sợi dây trách nhiệm cứ năm này tháng nọ rút mãi không hết. Nói như Chủ tịch Quốc hội là nói chung từ một vụ việc cụ thể của một dự án cụ thể; nhưng cho thấy rất rõ, tác dụng của việc rút kinh nghiệm ấy lâu nay hiệu quả thực sự đến đâu! Và, nếu chỉ rút kinh nghiệm mà không thật sự có một chế tài cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, sợ rằng, rút kinh nghiệm sẽ còn là một kinh nghiệm quản lý dài dài ở xứ ta được nhiều người áp dụng triệt để.

Có lẽ, đã đến lúc không thể chỉ quy trách nhiệm để rút kinh nghiệm; mà cần có những quy định cụ thể hơn đối với các công bộc khi đưa ra các quyết định hoặc điều hành, xử lý công việc liên quan đến số đông gây hậu quả nghiêm trọng. Với những vụ việc như thế không nên để cán bộ có điều kiện rút kinh nghiệm dài dài; mà nên có những hình thức cụ thể để làm gương cho các công bộc khác. Việc rút kinh nghiệm, trong một số những trường hợp cụ thể chỉ nên là tấm gương để cán bộ khác nhìn vào, học tập với mục tiêu làm sao không đi lại vết xe đổ ấy. Có như thế mới thực sự tạo dựng được niềm tin nơi nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể rút kinh nghiệm mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO