Không thể thờ ơ với nạn tranh giả

Mai Đào 24/10/2021 07:00

Ở thời 4.0 như hiện nay, việc thành lập một trang web để mọi người cùng đóng góp các tư liệu mỹ thuật là phương án cần nghĩ tới.

Tranh của họa sĩ Việt Nam trên sàn đấu giá Sotheby’s.

1. Mỹ thuật Việt Nam rất đáng tự hào với nhiều họa sĩ tên tuổi, bằng tài năng và phẩm cách nghệ sĩ riêng, đã tạo ra những tác phẩm nổi tiếng, không chỉ nói lên phong cách, cá tính sáng tạo của họa sĩ mà còn phản ánh một chặng đường của dân tộc.

Thế nhưng, cũng từ lâu, tranh giả, tranh chép là vấn nạn của mỹ thuật Việt. Một nhà báo Mỹ từng viết trên tờ The New York Times: “Tranh Việt Nam đang nổi tiếng hơn bao giờ hết nhưng thị trường lại ngập tràn tranh giả”. Bài viết đã gây dư chấn mạnh trong giới sưu tập tranh toàn thế giới.

Câu chuyện vẫn được giới mỹ thuật kể, rằng họa sĩ Bùi Xuân Phái từ khi mất lại “vẽ” nhiều tranh hơn khi ông còn sống chỉ ra một thực tế, “hậu sinh” đã chép tranh của ông quá nhiều. Đến bây giờ, bất cứ giao dịch nào liên quan đến tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái đều vướng vào sự nghi vấn về “thật” hay “giả”.

Kể từ khi đất ước mở cửa, đặc biệt là khi hội nhập, thị trường mỹ thuật trở nên sôi động, các nhà sưu tập thế giới tìm đến Việt Nam, các nhà sưu tập trong nước có xu hướng đầu tư vào nghệ thuật, thì cũng là lúc những giao dịch tranh giả xuất hiện. Chỉ có điều, khi đó, những giao dịch khi ấy âm thầm, “tranh tối tranh sáng”. Về sau, câu chuyện tranh giả càng công khai hơn.

Còn nhớ, hồi tháng 5/2017, họa sĩ Pham An Hải cho biết, qua người quen anh biết một nhà sưu tầm ở Hà Nội, có mua 5 bức tranh trị giá gần 300 triệu đồng từ ông Khánh - một người có mối quan hệ rộng rãi với giới họa sĩ từ nhiều năm nay. Trong số 5 bức này có bức “Dư âm phố cổ” là tranh giả vì tranh gốc, tranh thật vẫn đang treo ở nhà họa sĩ. 2 bức nữa của một họa sĩ khác nhưng đã bị xóa tên và ký tên Phạm An Hải vào đó.

Cách đó ít lâu, bức tranh “Phố cũ” (kích thước 50x40 cm, chất liệu sơn dầu) của danh họa Bùi Xuân Phái được Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn đưa lên sàn đấu giá. Trước khi phiên đấu giá được mở, nhiều ý kiến cho rằng bức “Phố cũ” là tranh giả. Thậm chí, họa sĩ Bùi Thanh Phương- con trai của danh họa Bùi Xuân Phái cũng khẳng định, đấy là tranh giả! Tuy nhiên, bất chấp những dị nghị, phiên đấu giá của Nhà Chọn vẫn diễn ra, với sự khẳng định của một hội đồng nghệ thuật ẩn danh rằng đây là tranh thật. Cuối cùng, “Phố cũ” đã được một nhà sưu tầm mua với giá 12.500 USD.

Đến bây giờ, họa sĩ Thành Chương vẫn chưa quên được cảm giác sửng sốt và tức giận khi đứng trước bức tranh của mình nhưng được ký tên họa sĩ Tạ Tỵ. Đó là hồi năm 2016. Điều khiến ông bất ngờ, bức tranh này không phải giao dịch tại thị trường “chợ đen” mà công khai xuất hiện trong cuộc triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu” diễn ra ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ngạc nhiên nữa: các bức tranh trong triển lãm được giới thiệu là của những họa sĩ tên tuổi, gạo cội của nền mỹ thuật Việt Nam được đem về từ các nhà đấu giá châu Âu, tuy nhiên, khi xem kỹ, nhiều người đã phát hiện ra phần lớn tranh trong số đó là tranh giả, trong đó tệ nhất là hai bức tranh mạo danh. Một trong số đó là bức “Chân dung cô Kim Anh” được họa sĩ Thành Chương vẽ vào khoảng từ năm 1970-1975 nhưng được treo dưới cái tên “Trừu tượng” và tác giả là họa sĩ Tạ Tỵ.

2. Nạn tranh giả ký tên các họa sĩ Việt Nam không chỉ âm thầm xuất hiện trong nước mà đã “tung hoành” ở nhiều thị trường mỹ thuật vốn được cho là “kỹ tính” và “chuyên nghiệp” của thế giới.

Những ngày qua, giới mỹ thuật trong nước xôn xao khi một bức bình phong ký tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chuẩn bị được nhà đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong đưa lên đấu giá. Theo thông tin từ trang web của nhà đấu giá này, bức bình phong sơn mài gỗ “L'image traditionnelle d'une maison de paysan” (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ dự kiến đấu giá ngày 10/10. Mức giá dự kiến 700.000-1.000.000 đô la Hong Kong (khoảng 2-2,9 tỷ đồng).

Không chỉ giới họa sĩ Việt Nam bất bình, bởi nhìn qua đã thấy cách làm sơn mài vụng về, màu sắc tươi mới mà chính họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, cũng khẳng định tác phẩm do Sotheby’s định đưa lên đấu giá là giả. "Bố tôi không làm bức bình phong tranh gốc mít nào như vậy cả. Họ chép lại rồi lấy tên ông gắn vào là không được phép", bà Minh nói. Cũng theo bà Minh, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chỉ sáng tác “Nhà tranh gốc mít”, kích thước 67x105 cm, hiện bức này đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Mai Trung Thứ cũng là một cái tên gần đây được truyền thông nhắc tới. Đặc biệt, từ sau khi bức “Chân dung cô Phương” của ông, hồi tháng 4 vừa qua, được Sotheby’s Hong Kong gõ búa đến 3,1 triệu USD (tương đương 72 tỷ đồng, tính cả thuế - trở thành bức tranh của danh họa gốc Việt có giá cao nhất trên thị trường hội họa thế giới), thì cũng liên tiếp xuất hiện những tác phẩm nhái được ký tên Mai Thung Thứ tung ra đấu giá. Mới đây, bức “Trà đàm” (1971) ký tên Mai Trung Thứ cũng được nhà đấu giá Aguttes đưa ra đấu giá. Ngoài ra, bức tranh “Lồng chim” cũng ký tên Mai Trung Thứ dự kiến được nhà đấu giá Tajan (Pháp) đấu vào ngày 13/10 tới.

Một vụ khác gần đây cũng được giới mỹ thuật phanh phui, đó là chuyện một số bức tranh giả đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái được một sàn đấu giá ở Pháp công bố và dự kiến mở đấu vào ngày 16/10. Quan sát hòa sắc và nét vẽ, nhiều họa sĩ đã chỉ ra sự vụng về của người chép. Không chỉ có bức tranh giả đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhiều người phát hiện trong phiên đấu giá này còn có bức đề tên họa sĩ Lê Phổ, và bức đề tên họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cũng là giả…

Những vụ việc gần đây, cũng như sâu chuỗi lại hàng loạt vụ việc trước đó, liên quan đến tranh giả ký tên của họa sĩ Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Hoàng Tích Chù… cho thấy, vấn nạn này đã trở nên quá công khai, cần nhiều biện pháp để ngặn chặn.

Để góp phần dẹp nạn tranh giả, tranh nhái đang hoành hành, nhiều ý kiến cho rằng, khó mấy cũng phải quyết liệt làm, vì đó là việc bảo vệ uy tín của mỹ thuật Việt Nam với thế giới. Do đó, cần sớm thành lập trung tâm mỹ thuật và những hội đồng thẩm định với các chuyên gia uy tín (nếu thiếu thì phải đào tạo), cùng các thiết bị hiện đại hỗ trợ...

Bên cạnh đó, ở thời 4.0 như hiện nay, việc thành lập một trang web để mọi người cùng đóng góp các tư liệu mỹ thuật là phương án cần nghĩ tới. Qua những tư liệu này có thể dễ dàng xác thực hoặc minh định một bức tranh thật-giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể thờ ơ với nạn tranh giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO