Kịch bản nào cho thị trường xăng dầu?

T.Hằng 04/03/2022 07:27

Thị trường xăng dầu đang rất bấp bênh khi những diễn biến trên thế giới vẫn căng thẳng, trong nước nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất khiến cho nguồn cung bị gián đoạn. Để ngăn chặn hành vi lợi dụng thị trường thu lời bất chính, các bộ ngành đã có nhiều giải pháp.

Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh trong những ngày qua. Ảnh: Quang Vinh

Nguồn cung trong nước bấp bênh

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không sớm có cơ chế điều tiết nguồn cung xăng dầu, thì với tốc độ tăng giá xăng dầu như hiện nay, chắc chắn tốc độ phục hồi kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Sự lo lắng về nguồn cung xăng dầu, ảnh hưởng lạm phát là điều dễ nhận thấy. Văn phòng Quốc hội mới đây đã phát đi văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi một số cơ quan của Quốc hội yêu cầu giám sát về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, ngày 1/3 có một số cây xăng đóng cửa với thông báo: cây xăng nghỉ bán hàng do cán bộ công nhân viên mắc Covid -19. Ngày 2/3, cây xăng cạnh toà nhà The Light trên trục đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội) hoạt động bình thường. Khi PV hỏi về lượng hàng hoá có khan hiếm không thì nhận được câu trả lời, việc nhập hàng, kiểm hàng vẫn diễn ra đều đặn.

Hiện nay thị trường xăng dầu, nhà máy lọc hoá dầu trong nước cung cấp 70%, 30% còn lại nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các thị trường Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trung bình năm 2021, Việt Nam tiêu thụ khoảng gần 21 triệu lít xăng dầu, trong đó nhập khẩu 7 triệu lít xăng dầu thành phẩm.

Tuy nhiên, thời điểm này Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm 35% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước lại đang cắt giảm công suất do khó khăn về tài chính, nên ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung xăng dầu từ đầu năm đến nay. Hiện nhà máy này chỉ chạy ở mức 55 - 60% công suất, do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43%.

Dự kiến, trong tháng 3 này, nhà máy cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch tháng, tức 540.000/680.000 m3. Theo báo cáo mới nhất, nhà máy sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5. Điều này khiến cho nguồn cung xăng cho các thương nhân luôn trong cảnh “ thấp thỏm”.

Còn đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm, nên từ cuối tháng 1, nhà máy đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng công suất lên 105%. Dù Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu/tháng, song mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất.

Với 30% nguồn cung còn lại đến từ nhập khẩu, theo chỉ đạo từ Bộ Công thương, các doanh nghiệp đầu mối đã đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu. Chỉ tính riêng tháng 2/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đã đạt mức 1,45 triệu m3, tăng cao gấp 3 lần so với các tháng thông thường. Cùng với lượng tồn đầu tháng 1, lượng mua từ sản xuất trong nước, tồn kho gối đầu trong tháng 3/2022 khoảng 1,6-1,8 triệu m3, các DN đầu mối xăng dầu cho biết, nguồn cung xăng dầu cho thị trường từ các nguồn trong quý I/2022 được bảo đảm.

Con số là như vậy, song trên thực tế các đơn vị kinh doanh xăng dầu hiện nay như thế nào? Trong quãng thời gian từ 28/1 - 21/2 vừa qua, cả nước có gần 300 cửa hàng xăng dầu đóng cửa với nhiều lý do như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại; hết hàng…

Giá xăng dầu tăng liên tiếp gây ra nhiều xáo trộn cho đời sống người dân, doanh nghiệp.

Tìm giải pháp bình ổn thị trường

Chiều 1/3, Liên Bộ Công thương - Tài chính công bố phương án giá bán lẻ xăng dầu trong nước áp dụng trong 10 ngày sau đó. Theo đó, giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, xăng RON95-III không cao hơn 26.834 đồng/lít, tăng 547 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Theo Bộ Công thương, lý do tăng giá bán xăng dầu trong nước là do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trong chu kỳ điều chỉnh giá do căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine . Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, giá xăng dầu trong nước luôn được đánh giá là bị tác động, ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới nhưng với cơ cấu nguồn cung xăng dầu như đã phân tích ở trên, xăng dầu không phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài mà vẫn có nguồn trong nước, như vậy, không thể đổ lỗi cho giá thế giới được.

Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 30% xăng dầu thành phẩm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước lại luôn căn cứ vào giá nhập khẩu, giống như Việt Nam đang nhập khẩu 100% là không hợp lý. Dẫu rằng các nhà máy lọc hoá dầu cũng nhập khẩu dầu thô về để pha chế, nhưng nếu nhập khẩu hết phần đầu vào thì cả nền kinh tế đang nuôi doanh nghiệp “yếu và kém”. Dù có 2 nhà máy lọc dầu quy mô lớn nhưng 2 nhà máy này vẫn không góp được sức để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào phân tích, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất thì cơ quan quản lý phải xem xét lại vai trò, khả năng cung ứng của Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Trên cơ sở đó, giá bán lẻ phải là bình quân của tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu theo giá nhập và giá xăng dầu trong nước tự sản xuất được, cộng với các loại thuế, phí.

Một vị chuyên gia khác cho rằng, các nhà máy lọc hoá dầu Việt Nam thế nào cũng kêu được. Vào thời điểm tháng 8/ 2021, hai nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Dung Quất kêu gặp khó khăn tiêu thụ bởi nhu cầu suy giảm mạnh, ế hàng tỷ USD. Năm 2022, do lỗ nên hoạt động giảm công suất dẫn đến không đủ nguồn hàng cung cấp cho các đơn vị đầu mối. “Vai trò của 2 nhà máy lọc hoá dầu cần phải xem lại!” – vị chuyên gia này khẳng định.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng dầu

Bộ Tài chính vừa chính thức có văn bản gửi các bộ, ngành, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay).

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: Xăng (trừ etanol) giảm 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.

Nhiên liệu bay: giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn dự kiến áp dụng từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2022.

Để đảm bảo tính kịp thời của chính sách, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đồng thời, nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc tra cứu, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay tại Nghị quyết này, theo đó Nghị quyết sẽ bãi bỏ Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Đánh giá về vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc điều hành xăng dầu thời gian qua, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law nêu quan điểm: “Trách nhiệm của ngành Công thương là phải đảm bảo an ninh năng lượng cũng như không để giá xăng dầu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, lưu thông và đời sống người dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Bộ Công thương chưa có những chính sách, cơ chế kịp thời để quản lý nguồn cung xăng dầu trong nước.

Bởi lẽ, đây không phải lần đầu tiên các nhà máy lọc dầu thông báo giảm công suất khiến giá xăng dầu trong nước tăng vọt. Bộ Công thương cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục vấn đề với Nghi Sơn cũng như sử dụng các công cụ điều chỉnh phù hợp để cân bằng lại thị trường”.

Trong khi đó, GS Đặng Đình Đào cho rằng, chuyển đổi số là chìa khóa để thực hiện công khai, minh bạch thị trường xăng dầu và điều hành giá ít gây phản ứng từ dư luận.

“Chuyển đổi số của ngành Công thương cần đi vào thực chất, để dù chỉ một tín hiệu nhỏ của nhà máy lọc dầu không tốt, Bộ quản lý sẽ phải nắm được và có phương án điều hành, thay vì bị động và chậm trễ như hiện nay.

Cơ quan quản lý phải biết tồn kho bao nhiêu, cần nhập khẩu như thế nào, giá nào để tính toán và công khai”.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), cần phải cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhằm xóa bỏ tình trạng “nửa vời” hiện nay.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường kinh doanh trái pháp luật; Xóa bỏ tình trạng bảo hộ bất hợp lý, không bình đẳng giữa các DN nhằm tạo môi trường để DN được tự chủ trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Giới chuyên gia cho rằng, khi xung đột giữa Nga - Ukraine lên cao, giá dầu biến động, giải pháp quan trọng để bình ổn thị trường đó là: Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan cần trình Chính phủ biện pháp tăng khả năng khai thác và lọc dầu để nguồn cung được chủ động hơn.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Giảm bớt sự lệ thuộc

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, được sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.

Đặc biệt, xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70-75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước; sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô. Vì vậy, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới.

Bộ Công thương cần có giải pháp tổng thể bảo đảm nguồn cung xăng, dầu dài hạn cho nền kinh tế; mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng, dầu, giảm bớt sự lệ thuộc khi giá xăng, dầu thế giới tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Sử dụng công cụ nào cho việc bình ổn thị trường?

Xu hướng giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà dự báo sẽ tiếp tục tăng. Xăng dầu tăng giá có tác động rất lớn tới nhiều lĩnh vực. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ và sản xuất nông nghiệp… Cần duy trì sự liên thông, lành mạnh giữa cung và cầu bên cạnh việc huy động công suất của các nhà máy lọc dầu trong nước một cách hợp lý để bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Vấn đề là làm sao để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, ở đây có hai công cụ là thuế và quỹ bình ổn để điều hành. Song, dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn nhiều, do đó chỉ có thể dùng công cụ thuế; trong đó chỉ có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Bộ Công thương phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường và chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng, dầu.

H.Hương – M.Sang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kịch bản nào cho thị trường xăng dầu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO