Kiểm soát bản giải trình nguồn gốc tài sản

H.Vũ 10/03/2018 08:00

Muốn thu hồi tài sản bất minh phải chứng minh được nguồn gốc tài sản không giải trình được là bất minh. Do vậy, xác minh độ xác thực của bản giải trình nguồn gốc tài sản là vấn đề cần phải được đặt ra.

Thời gian qua, xuất hiện hiện tượng “giàu lên bất thường” của một số cán bộ với những khối tài sản khổng lồ, nhưng trong các bản giải trình cho rằng nguồn gốc tài sản đều từ nuôi lợn, nuôi gà, hay nhận thừa kế từ bố mẹ để lại trong khi nguồn gốc gia đình được xuất phát từ bần nông, cố nông. Từ đó dẫn đến không thể thu hồi tài sản.

Trước những giải trình trên dư luận đã hoài nghi về thực chất của bản giải trình nguồn gốc tài sản, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có quy định về truy nguồn gốc. Những kết luận xử lý cán bộ gần đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề cập nhiều đến việc kê khai tài sản. Dù việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định pháp luật nhưng cơ chế kiểm soát bản kê khai chưa làm được nhiều. Kê khai chỉ để kê khai, khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không? Vì thế cần có cơ chế kiểm soát bản giải trình nguồn gốc tài sản.

Ông Phạm Trường Dân- nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trước đây kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức nhưng gần đây Trung ương đã chỉ đạo thẩm tra, xác minh bản kê khai và phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Định kỳ hằng năm Trung ương quy định đầu năm các cán bộ, đảng viên phải kê khai tài sản. Do đó những ai nằm trong diện được xem xét đề bạt, điều động, luân chuyển, hay là cán bộ nguồn thì phải kê khai và xác minh. Những đối tượng này phải được kiểm tra kỹ, có kết luận, và người kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra của mình.

Theo ông Dân, cán bộ, đảng viên kê khai tài sản thì cuối năm, các chi bộ phải có trách nhiệm xác minh tính xác thực của bản kê khai đó và có kết luận rồi công khai bản kết luận đó ở chi bộ nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú. Trung ương đã quy định rõ rồi, có điều cần làm đúng quy định của Trung ương. Tức là người kê khai tài sản phải minh bạch, còn người kiểm tra xác minh phải trung thực kiểm tra kỹ, không được bỏ qua.

Vẫn theo ông Dân, kiểm tra phải từ chi bộ, rồi sự giám sát của các đảng viên với nhau. Người làm công tác kiểm tra của chi bộ khi thấy tài sản của đảng viên có dấu hiệu không bình thường phải đi xác minh việc kê khai, không vì nể nang bạn bè anh em, đồng đội mà để lọt cho qua chuyện. Muốn vậy làm sao công khai cho minh bạch để đảng viên giám sát lẫn nhau và giám sát việc làm của chi bộ.

Ông Dân cũng cho rằng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đặt vấn đề thu thuế, nhưng muốn thu phải xác minh được nguồn gốc tài sản có minh bạch hay không thì mới truy thu được. Cho nên phải nâng cao xác minh giải trình nguồn gốc tài sản. Vì để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thì vấn đề kiểm soát tài sản cá nhân là vấn đề quan trọng. Muốn kiểm soát được phải kiểm tra xác minh, và người xác minh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, trước Đảng về kết quả xác minh của mình để không ai lọt qua.

“Muốn vậy, phải công khai minh bạch trong tổ chức Đảng, nơi đảng viên cư trú và công khai cho người dân biết còn giám sát, trong đó đảng viên phải kiểm soát lẫn nhau, và mở đường cho đảng viên góp ý kiến và hỏi về những bản giải trình”- ông Dân nói.

Trong khi đó, GS.TS Vũ Hoan- chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho rằng, Đảng, Nhà nước đã có những quy đinh trong vấn đề kê khai tài sản. Bây giờ muốn biết tài sản có hợp lý hay không? cần kiểm soát việc giải trình về nguồn gốc tài sản thu nhập tăng thêm. Cơ quan nhận bản giải trình phải xem xét và chịu trách nhiệm xem bản giải trình đó có đúng hay không?

Theo ông Hoan, cần nâng cao trách nhiệm của người xem xét, tiếp nhận bản kê khai, bản giải trình nguồn gốc tài sản. Muốn vậy, phải lấy ý kiến của nhân dân nơi cư trú. Lấy ý kiến nhân dân để xem có đúng hay không?, nhất là trong bối cảnh hiện nay các quy định của Đảng đều đề cập đến vấn đề giám sát của nhân dân đối với đảng viên, cán bộ nơi cư trú như Quyết định 218- QĐ/TW về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

“Nhân dân giám sát đảng viên nơi cư trú mới nâng cao được trách nhiệm trong kiểm soát bản giải trình. Vì thế nơi quản lý đảng viên phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm cần tham khảo ý kiến của người dân nơi cư trú, cơ sở để xác định bản kê khai và giải trình có đúng hay không? Khi giải trình không hợp lý thì tiến hành thu hồi tài sản”- ông Hoan bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát bản giải trình nguồn gốc tài sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO