Kiểm soát các ổ dịch để từng bước mở cửa

Đức Trân - Phạm Sỹ 20/09/2021 06:45

Ổ dịch mới tại Long Biên, Hà Nội với 12 ca dương tính cho thấy, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong phòng, chống dịch, nhưng dịch Covid-19 tại Thủ đô vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Cùng đó, việc tổ chức chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, liên quan đến ổ dịch tại tổ 4 Việt Hưng, Long Biên, từ ngày 18/9 đến nay ghi nhận tổng số 12 ca bệnh. Tại ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng ghi nhận 9 ca bệnh; ngách 15, ngõ 68, tổ 6, Ngọc Thụy ghi nhận 2 ca bệnh; xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm ghi nhận 1 ca bệnh do làm cùng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm với bệnh nhân N.K.T.

Quận Long Biên khẩn cấp kích hoạt các biện pháp chống dịch

Theo UBND quận Long Biên, hiện tại đã phong tỏa những khu vực có liên quan, bên cạnh đó xét nghiệm nhanh cho hơn 1.000 trường hợp và đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, hiện tại, đang chờ kết quả khẳng định bằng phương pháp RT-PCR.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Tuấn Kiên, Phó Chủ tịch phường Việt Hưng, quận Long Biên cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh trong cộng đồng trên địa bàn phường, chúng tôi đã ngay lập tức kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch một cách khẩn trương nhât. Tất cả các biện pháp về khoanh vùng, lập chốt, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm đều đã được thực thi. Hiện nay, phường đang tiếp tục triển khai điều tra, đánh giá, phân loại đúng đối tượng và đã có báo cáo lên các cơ quan chuyên môn đánh giá để có những bước hành động tiếp theo trong công tác phòng dịch”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết đã yêu cầu lực lượng y tế quận Long Biên huy động tổng lực để phát hiện, bóc tách sớm F0. Tập trung thực hiện khoanh vùng, truy vết thần tốc các trường hợp tiếp xúc gần và liên quan. Thực hiện xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh 2 ngày/lần tại các khu vực nêu trên và các trường hợp liên quan. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo cho phòng, chống dịch trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực phong tỏa, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại khu vực phong tỏa để sớm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định: “Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện khá tốt việc truy vết và phong tỏa, dập dịch. Với tình hình dịch của thành phố hiện nay, Hà Nội vẫn có thể tiếp tục truy vết và bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, cần phải xác định, các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã xuất hiện rải rác khắp cộng đồng trong một quãng thời gian. Qua quá trình xét nghiệm, chúng ta có thể thấy dịch đã xâm nhập vào các chuỗi cung ứng như bán hàng trực tuyến, lò mổ, lái xe… nên việc đưa số lượng F0 về 0 tại Hà Nội là rất khó”.

Tương tự, BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương chia sẻ: “Chúng ta cần biết, với đặc thù là trung tâm của khu vực, đầu nối giao thông nhiều địa phương cùng mật độ dân cư cao, ở thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn được đánh giá ở mức có nguy cơ cao dù đang phòng, chống dịch rất tốt”.

Mặc dù vậy, bác sĩ Hà cũng cho rằng nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn. Trên thực tế, những ổ dịch mới tại Hà Nội trong thời gian gần đây đều được kiểm soát kịp thời, truy vết, khoanh vùng trong thời gian rất ngắn. Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn đang đáp ứng rất tốt về lực lượng y tế, cơ sở, trang thiết bị điều trị F0.

Cách ly F1, chăm sóc F0 tại nhà

Về việc cách ly F1, chăm sóc F0 tại nhà, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá: “Phân tích từ số liệu dịch bệnh, có thể nhận thấy, sau khi TP HCM thực hiện cách ly F1 và điều trị F1 tại nhà thì dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm đi. Thực tế cho thấy, có tới 80% số ca mắc Covid-19 không có triệu chứng và hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho việc giảm áp lực lên hệ thống y tế”.

TS.BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung Tâm Y tế quận Gò Vấp thông tin: Sau khi thực hiện mô hình điều trị F0 tại nhà, số F0 tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn do quận quản lý giảm mạnh, chỉ còn 341 người, nếu tính tổng toàn bộ hệ thống khu cách ly tạm ở các phường thì số ca mắc hiện nay là 1.125 người. Trong khi đó, số F0 đang điều trị tại nhà trên địa bàn là 2.200 người.

Nếu so sánh trước đó với hơn 5.000 F0 tại các khu cách ly tập trung, có thể thấy quận Gò Vấp đã rất thành công trong việc áp dụng mô hình điều trị F0 tại nhà. TS Hòa chia sẻ: “Quận Gò Vấp kiên quyết thực hiện chia nhỏ các F0, tức là thay vì dồn F0 lên khu cách ly tập trung, chúng tôi chia ra thành nhiều nhóm, nhóm đủ điều kiện thì cho ở nhà, không đủ điều kiện điều trị tại nhà thì đưa lên các khu thu dung, cách ly tạm thời ở phường. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện chủ trương “đầu vào - đầu ra”. Có nghĩa là xét nghiệm sớm mà âm tính hoặc không còn khả năng lây nhiễm thì cho F0 về điều trị tại nhà chứ không nhất thiết phải chờ đủ 7 ngày tại khu cách ly tập trung.

Về việc chăm sóc F0 tại cộng đồng, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đội cấp cứu của bệnh viện dã chiến chia ra thành các nhóm với 3 xe cấp cứu được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết. Khi nhận được thông tin ca F0 ô xy tụt, khó thở… từ đội 1, thì đội 2 lập tức cho xe xuất phát đến nhà để đón F0 tới bệnh viện dã chiến sơ cấp cứu ngay. Nếu bệnh nhân nhẹ thì chăm sóc, xử lý tại khu sơ cấp cứu 20 giường của bệnh viện này, còn nặng thì chuyển tiếp lên tuyến cao hơn để điều trị. Cách làm này tăng tối đa sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế, nhân viên y tế.

Nhân rộng mô hình điều trị

Từ kinh nghiệm tại TP HCM, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức triển khai thí điểm quản lý, theo dõi và điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà.

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Tiền Giang, TP Mỹ Tho hiện có 6.000 ca dương tính với Covid-19 gây quá tải, áp lực với các cơ sở thu dung điều trị. Với dự báo số ca nhiễm có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới, bên cạnh đó là 80% người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên việc cách ly, quản lý, theo dõi, điều trị tại nhà được đánh giá là rất khả thi.

Theo TS Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch Hội Y học tỉnh Tiền Giang, Hội đã huy động 32 bác sĩ tham gia khám, điều trị và tư vấn sức khỏe cho các F0 tại nhà.

Ông Vỹ đánh giá: Kế hoạch chăm sóc F0 tại nhà là vô cùng quan trọng, có thể giúp giảm đến 80% lượng người cần chăm sóc tại bệnh viện và chỉ còn lại khoảng 20% cần cán bộ y tế trong bệnh viện chăm sóc nên sẽ giảm áp lực cũng như việc chăm sóc cũng tốt hơn rất nhiều. Điều này góp phần quan trọng đến kết quả giảm bệnh nhân Covid-19 tử vong. Chăm sóc F0 tại nhà còn có tác động tâm lý làm người dân cảm thấy yên tâm, không quá lo lắng khi chẳng may bản thân mắc Covid-19. Đây là vấn đề tâm lý quan trọng, bởi gia đình luôn là môi trường thuận lợi để F0 được chăm sóc tốt, được chia sẻ, yên tâm, bớt trầm cảm, lo lắng.

Thông tin về phương án huy động và bố trí nguồn lực để đảm bảo thực hiện quản lý, điều trị F0 tại nhà, BS Nguyễn Văn Trạng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho cho biết, Mỹ Tho đã thành lập Trung tâm Điều trị Covid-19 tại nhà, từ đó sẽ tiếp nhận danh sách người nhiễm đủ điều kiện và phân công bác sĩ, điều dưỡng phụ trách theo dõi, hỗ trợ điều trị.

Cùng với hoạt động của Trung tâm, Mỹ Tho còn tổ chức các đội phản ứng nhanh gồm bác sĩ, điều dưỡng, công an và các tình nguyện viên. Số điện thoại của đội sẽ được cung cấp cho bệnh nhân để liên lạc trong tình huống khẩn cấp.

Đội phản ứng nhanh sẽ thực hiện cấp cứu người bệnh tại nhà khi cần thiết và thực hiện chuyển tuyến, đưa người bệnh đến cơ sở y tế cấp cứu, điều trị khi bệnh diễn biến nặng. Đội phản ứng nhanh được trang bị 50 túi thuốc cấp cứu, 50 máy tạo oxy khí trời, 50 bình ô xy, 200 máy đo SpO2…

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3, Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Hoàng Hùng.

Thêm sáng kiến giúp chăm sóc F0 tốt hơn

Song song với mô hình trạm y tế lưu động của Bộ Y tế, TP HCM cũng đang triển khai mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” do Đại học Y Dược TP HCM đề xuất, bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1, nơi đang triển khai mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y Đại học Y Dược TP HCM, phụ trách mô hình cho biết: F0 ở nhà thường có tâm lý lo lắng không biết nên làm gì khi bệnh chuyển nặng. Mô hình bao gồm 2 đội. Đội 1 chăm sóc trực tuyến qua điện thoại, online. Cả khi F0 ở nhà đang khỏe mạnh, chưa hề nao núng tinh thần thì thành viên đội 1 vẫn chủ động gọi đến.

“Có thông tin rồi thì thiết lập sẵn hồ sơ bệnh án điện tử về các F0 đó luôn. Tần suất thăm hỏi phụ thuộc vào tình trạng nặng - nhẹ của F0 sau khi phân loại. Nếu F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền sẽ hỏi thăm liên tục. Những người không có nguy cơ thì vài ngày lại hỏi thăm, động viên. Riêng tại Quận 8 có đến 131 tổ tư vấn. Mỗi tổ 5-6 người nhận 60 F0 để chăm sóc từ xa”- bà Lan chia sẻ.

Song song với đội chăm sóc trực tuyến là đội cấp cứu ngoại viện (đội 2). Cả hai đội có mối quan hệ khăng khít nhau. Khi những nhân viên chăm sóc qua điện thoại phát hiện yếu tố nguy cơ trở nặng của F0 nào đó tại nhà thì sẽ lập tức báo đến đội cấp cứu ngoại viện.

BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho rằng, dù Hà Nội đã kiểm soát, khống chế dịch tốt nhưng vẫn cần nâng cao tinh thần tự giác, nhận thức của người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân không nên hoang mang trước những thông tin về ca mắc mới, nhưng cũng không thể chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh. SARS-CoV-2 là loại “giặc” vô hình, sẽ kéo dài rất lâu, bởi vậy người dân cần học cách sống chung an toàn với virus bằng các biện pháp phòng, chống dịch như vaccine và 5K.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát các ổ dịch để từng bước mở cửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO