Kiểm soát ô nhiễm không khí

Hồng Điệp 29/01/2021 06:53

Biện pháp cần làm ngay là rửa đường, cấm các phương tiện chở vật liệu xây dựng, rác thải gây ô nhiễm.

Bụi, khí thải ngày một nhiều từ các phương tiện giao thông.

Chiều 28/1, tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, các bộ, ngành cùng thống nhất các biện pháp chỉ đạo địa phương, đồng bộ thực hiện nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí chính đã được xác định do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả.

Biện pháp cần làm ngay là rửa đường, cấm các phương tiện chở vật liệu xây dựng, rác thải gây ô nhiễm. Thực tế ở những điểm nóng về ô nhiễm, bụi bay mờ mịt cần địa phương, bộ, ngành liên quan phải xử lý tức thì, xử lý ngay những công trình không tuân thủ quy định, để bụi phát tán; thu hồi xe máy cũ, nát do ảnh hưởng đến an toàn của người dân, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thu hồi phải có cơ chế. Còn biện pháp dài hơi về quy chuẩn kỹ thuật, quy hoạch… sẽ làm theo lộ trình.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Tổng cục Môi trường phải tổng kết việc thực hiện Quyết định 985a/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đề ra các giải pháp trong năm 2022. Ngay tháng 3/2021, Tổng cục Môi trường làm đầu mối, thành lập đoàn liên ngành làm việc với UBND các tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, trong đó làm rõ mục đích, yêu cầu, phân công, tổ chức thực hiện cụ thể cho từng đơn vị trong và ngoài bộ.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá lại trách nhiệm của các đơn vị khi thực hiện Quyết định 985a/QĐ-TTg năm 2016 về kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Việc cần hiện nay là phải đo được lượng khí xả thải mới có cơ chế để thu phí, tăng mức phạt đối với hành vi phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Hiện nay, nguyên nhân ô nhiễm không khí vẫn còn nhiều vấn đề, tại các thời điểm cụ thể mà cơ quan quản lý cũng chưa lý giải hết như ô nhiễm xuyên biên giới, ô nhiễm tăng bất thường tại các vùng núi cao. Việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện xe máy chưa có. Bởi vậy, quản lý ô nhiễm môi trường cần theo hướng tiếp cận tổng hợp. Ngoài việc các bộ ra văn bản đôn đốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thành lập đoàn liên ngành làm việc với một số đô thị lớn có lượng phương tiện cơ giới lớn, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhiều vấn đề liên quan đến đốt rơm rạ, đốt than tổ ong, cây cối ven đường…nên giao trách nhiệm cho tổ dân phố, địa phương.

Theo Tổng cục Môi trường, có nhiều nội dung đã được quy định tại Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, sẽ thực hiện trong năm 2021. Các quy định về quan trắc môi trường sẽ được thực hiện và hoàn thành trong năm 2021. Việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định kỹ thuật quan trắc môi trường hoàn thành trong quý I năm 2021. Việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam thực hiện và hoàn thành trong quý IV năm 2021.

Hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, hoàn thành trong quý II năm 2021. Việc chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện, dịch vụ…hoàn thành trong năm 2021. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng tiêu chí nhãn sinh thái đối với sản phẩm, phương tiện, dịch vụ giao thông vận tải thân thiện với môi trường trong giai đoạn 2021-2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát ô nhiễm không khí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO