Kiểm soát tốt để hạn chế gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT

Hà Nguyên - Lan Hương 01/08/2020 00:19

Đây là vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội nghị đánh giá công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) 6 tháng đầu năm 2020, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của BHXH tỉnh Hải Dương mới đây.

6 tháng đầu năm 2020 nhiều địa phương gia tăng chi khám chữa bệnh BHYT.

Đánh giá về công tác chi trong khám chữa bệnh BHYT, bà Đoàn Thị Trinh, Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương cho biết, công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của tỉnh Hải Dương trong 6 tháng đầu năm 2020, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, quyền lợi bệnh nhân được đảm bảo, nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT được sử dụng hiệu quả…

Tuy nhiên, theo bà Trinh, những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng số chi tại tỉnh Hải Dương vẫn gia tăng nhanh, BHXH tỉnh hiện xếp hạng thứ 32 toàn quốc trên Bảng Hệ thống giám sát, giảm 15 bậc so với năm 2019.

Báo cáo của BHXH tỉnh Hải Dương cho thấy, năm 2019 toàn tỉnh đã chi khám chữa bệnh BHYT là 2.239,5 tỷ đồng (chi tại tỉnh là 1.475,961 tỷ đồng, chi đa tuyến đi ngoại tỉnh là 741,930 tỷ đồng), âm quỹ 303,456 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã chi 1.105 tỷ đồng (chi tại tỉnh là 704,9 tỷ đồng, chi đa tuyến đi ngoại tỉnh là 400,1 tỷ đồng), âm quỹ 209,6 tỷ đồng. Trong số 6 cơ sở khám chữa bệnh chi vượt dự toán thì bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đứng đầu danh sách với gần 26 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của BHXH tỉnh Hải Dương trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ giảm về số lượt khám chữa bệnh của tỉnh Hải Dương là 6,5% giảm ít hơn toàn quốc 5,4 % (toàn quốc giảm 11,9%). Đối với số chi khám chữa bệnh, so với cùng kỳ năm 2019, giảm 0,4, ít nhất so với các tỉnh trong vùng như Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, TP Hải Phòng. Đối với tỉ lệ gia tăng bình quân tiền xét nghiệm/lượt khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh so với cùng kỳ năm 2019 lại cao hơn các tỉnh trong vùng và toàn quốc. Đặc biệt, mặc dù số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh giảm 6% nhưng tổng chi lại tăng 15%, chi bình quân/lượt tăng 21,5%.

“Tính đến hết 6 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã phát hiện được 23 vấn đề bất cập của các cơ sở khám chữa bệnh gây mất đảm bảo quỹ khám chữa bệnh BHYT như: Khoảng cách thời gian từ khi chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng và thời điểm ra viện quá ngắn; chỉ định sử dụng thuốc trước khi chỉ định sử dụng xét nghiệm cận lâm sàng trong khám chữa bệnh ngoại trú; tách liệu trình 1 đợt điều trị của bệnh thành nhiều lần; tách đợt khám bệnh ngoại trú thành nhiều lần”, đại diện BHXH tỉnh Hải Dương thông tin.

Tuy nhiên lý giải về việc gia tăng chi trong khám chữa bệnh BHYT đại diện bệnh viện đa khoa Hải Dương cho rằng, sở dĩ 6 tháng đầu năm 2020 chi cho khám chữa bệnh gia tăng vì tỉ lệ chuyển tuyến đã giảm và tỉ lệ điều trị khám chữa bệnh tại bệnh viện đã tăng nên chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng tăng theo

Trước thực trạng trên phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, trong bối cảnh tự chủ bệnh viện hiện nay, chúng ta gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính. Nhưng không phải vì thế mà được phép tăng thêm xét nghiệm, hình ảnh hay giữ bệnh nhân nội trú không cần thiết.

Thay vì đó, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tăng cường cho tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần thay đổi trong cách chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để giảm chi phí. Theo đó, mỗi bệnh nhân chỉ cần giảm đi 1 ngày điều trị, giảm 1 xét nghiệm và 1 hình ảnh không cần thiết thì hoàn toàn có thể giảm chi phí khám chữa bệnh BHYT, đồng thời đảm bảo cân đối quỹ BHYT.

“Việc đảm bảo cân đối quỹ BHYT là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, các địa phương trong đó có Hải Dương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tại địa phương thực hiện tốt công tác này. Đặc biệt, cần kiểm soát các vấn đề bất cập phát sinh làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT”- Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát tốt để hạn chế gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO